Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Cập nhật ngày: 23/06/2021 14:07:47

ĐTO - Đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, tạo nguồn lao động chất lượng cho các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các đơn vị trực thuộc từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) đáp ứng nhu cầu đào tạo học viên (HV), học sinh (HS) phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.


Giáo viên trường trung cấp hướng dẫn học sinh thực hành tại lớp

Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh Đồng Tháp có 520 nhà giáo và CBQL tại 13 CSGDNN (chưa bao gồm 15 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 360 nhà giáo và 160 CBQL. Theo đó, đội ngũ cán bộ, nhà giáo có trình độ trên đại học 213/520 (chiếm 41%), đại học 251/520 (chiếm 48,3%), cao đẳng 21/520 (chiếm 4%), trung cấp 34/520 (chiếm 6,5%); tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn 355/360 (chiếm 98,6%). Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu, thực hiện các chính sách phù hợp đối với đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với nhà giáo và CBQL giáo dục nghề nghiệp tại các CSGDNN công lập được thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản liên quan khác...

Cùng với nhiệm vụ quản lý, điều hành, Sở LĐ-TB&XH, CBQL các trường nghề, CSGDNN chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện đổi mới các nhiệm vụ chuyên môn, tuyên truyền, chương trình giảng dạy, các hoạt động kết nối hỗ trợ việc làm cho HV, HS sau khi tốt nghiệp. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức khảo sát và làm việc trực tiếp với CBQL, GV tại các đơn vị trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua các buổi làm việc, lãnh đạo Sở kịp thời định hướng, góp ý điều chỉnh công tác tư vấn, tuyên truyền, đào tạo đối với các ngành nghề và đội ngũ nhân lực phục vụ cho công tác chuyên môn. Trong năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng định kỳ cho đội ngũ CBQL, GV. Triển khai chính sách khen thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng...

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng linh hoạt áp dụng các chính sách hỗ trợ khác theo quy định như: hỗ trợ các đối tượng mới tuyển dụng (trình độ sau đại học) nhằm đáp ứng nhu cầu mở mã ngành đào tạo; hỗ trợ, khuyến khích học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo chuyển công tác từ nơi khác đến đối với các ngành nghề có nhu cầu mở mã ngành đào tạo mới; hỗ trợ kinh phí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ nhà giáo đi học sau đại học ở nước ngoài (trừ trường hợp đã hưởng học bổng toàn phần). Từ năm 2016 - 2020, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sư phạm cho 1.002 lượt nhà giáo, CBQL góp phần đưa đội ngũ nhà giáo thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong toàn tỉnh đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

 Tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục lộ trình đầu tư phát triển đội ngũ CBQL, GV giáo dục nghề nghiệp có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề theo quy định. Đổi mới phương pháp đào tạo GV theo hướng tuyển GV đạt chuẩn Quốc gia, sinh viên giỏi, người có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, những chuyên gia có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề theo quy định. Khuyến khích GV tự học nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ (đi học được hưởng nguyên lương, hỗ trợ học phí,...).

 Sở LĐ-TB&XH tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật và công nghệ mới cho GV. Tập huấn cho đội ngũ CBQL đào tạo các cấp về chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm. Theo lộ trình giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 1.272 lượt CBQL, GV. Chú trọng các kỹ năng dạy học, nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức; đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho CBQL, GV tại các CSGDNN. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng GV, chú trọng phương pháp thực hành; phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất định kỳ hàng năm đưa GV đi thực hành tại doanh nghiệp. Đối với đội ngũ GV giảng dạy lưu động ở vùng sâu, vùng xa, dạy các nghề yêu cầu tay nghề cao, nghề độc hại nguy hiểm và đào tạo nghề cho người khuyết tật,..., sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ hợp lý.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn