Phát huy thế mạnh của các trường trung cấp nghề khu vực

Cập nhật ngày: 13/11/2013 06:00:11

Ba điểm trường trung cấp nghề được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ưu tiên đầu tư là Trường Trung cấp nghề Hồng Ngự (thị xã Hồng Ngự) chuyên đào tạo nuôi trồng, chế biến thủy sản; Trường Trung cấp nghề Tháp Mười (huyện Tháp Mười) chuyên đào tạo kỹ thuật sửa chữa cơ khí; Trường Trung cấp nghề Thanh Bình (huyện Thanh Bình) chuyên đào tạo nghề chế biến bảo quản thủy sản.


Học sinh thực hành nghề trên dây chuyền hiện đại

Sở LĐ-TB&XH cân nhắc các ngành nghề theo chương trình khung của Bộ, các nghề được mở sau khi nhà trường đã khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng học nghề.

Phát huy thế mạnh của các trường nghề khu vực trong việc tuyển sinh, đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH đã đầu tư dây chuyền hiện đại trong chế biến, bảo quản thủy sản trị giá hơn 2 tỷ đồng tại Trường Trung cấp nghề Thanh Bình. Cùng với kinh phí, thiết bị do Sở đầu tư, Ban giám hiệu Trường Trung cấp nghề Thanh Bình cũng tuyển chọn các kỹ sư chuyên về lĩnh vực chế biến bảo quản thủy sản về làm việc tại trường.

Sau khi trường được đầu tư dây chuyền, giáo viên của trường đã hướng dẫn học sinh lý thuyết, thực hành trên dây chuyền mới. Kết quả của sự kết hợp này là sự ra đời thành công sản phẩm cá nục hộp sốt cà (sản phẩm này đang được đưa ra thị trường) tại xưởng sản xuất đồ hộp số 1 ngay trong khuôn viên trường... Sự ra đời của sản phẩm là bước đánh dấu cho quá trình đào tạo nghề lý thuyết, kết hợp với thực tiễn.

Trường Trung cấp nghề Hồng Ngự và Trường Trung cấp nghề Tháp Mười cũng phát huy lợi thế của mình khi tuyển sinh các lớp nghề nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy gặt đập liên hợp. Theo Ban giám hiệu Trường Trung cấp nghề Tháp Mười, thế mạnh của địa phương là sản xuất nông nghiệp, vì vậy việc nhà trường mở các lớp nghề gắn với nông nghiệp phù hợp nhu cầu của học sinh và người dân địa phương. Ngoài những nghề thế mạnh, các đơn vị trường còn liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ cung cấp lao động cho các doanh nghiệp tại địa phương, phối hợp đào tạo nghề sơ cấp cho lao động nông thôn.

Ông Đỗ Minh Triết - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, việc chia vùng, khu vực tuyển sinh đào tạo của các trường trung cấp nghề như hiện nay đã tạo điều kiện cho lao động được tham gia học nghề ở các trình độ. Hiện các nghề như: điện, cơ khí, công nhân xây dựng, bảo vệ thực vật... là những ngành nghề mà xã hội đang cần, do vậy hướng tới các đơn vị sẽ tiếp tục tuyển sinh đào tạo các ngành này theo nhu cầu.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn