Tăng cường đầu tư trang thiết bị trường học phục vụ giáo viên, học sinh

Cập nhật ngày: 05/10/2015 12:23:09

Năm học mới, tạo điều kiện cho giáo viên (GV), học sinh (HS) tiếp cận, sử dụng thiết bị trường học phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức các đợt kiểm tra, trang bị thiết bị trường học, nâng cấp hệ thống thư viện tại các điểm trường.


Giáo viên bảo dưỡng các thiết bị phòng thực hành

Đầu tư hệ thống thiết bị trường học, thư viện, đồ chơi trẻ em là một trong những chương trình trọng tâm của Sở GD&ĐT dành cho các điểm trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh. Mục tiêu chính là phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, khuyến khích GV, HS nghiên cứu, tích lũy kiến thức trong quá trình học tập.

Từ năm 2008 đến nay, hệ thống thư viện trường từng bước được Sở GD&ĐT, UBND huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 273 thư viện đạt chuẩn, 19 thư viện tiên tiến; có 425 viên chức, GV làm công tác thư viện, thiết bị dạy học tại các điểm trường. Để nâng cao năng lực chuyên môn cho GV, mỗi năm Sở GD&ĐT tổ chức 2 đợt bồi dưỡng về công tác thư viện trường học theo từng cấp học; các buổi tập huấn là cơ hội để GV tiếp cận hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học.

Lấp Vò là một  trong những huyện có hệ thống thư viện trường học thu hút HS ngoài giờ học tìm đến như Thư viện Trường THPT Lấp Vò 1, 2, mỗi ngày có hàng chục lượt HS đến đọc sách, học bài, học nhóm, tiếp cận với công nghệ thông tin. Toàn huyện có 28 thư viện đạt chuẩn (trong đó có 18 trường Tiểu học, 10 trường THCS), cán bộ thư viện được bồi dưỡng ngắn ngày về công tác chuyên môn. Mỗi năm đều bổ sung đầu sách mới vào dịp hè, đầu năm học mới để phục vụ cho việc dạy và học. Với nguồn sách, báo, tài liệu phong phú, Ban giám hiệu các trường khuyến khích GV sử dụng thiết bị dạy học từ thư viện trong quá trình lên lớp; 100% trường Tiểu học, THCS có phòng kho thiết bị, 50% trường THCS có phòng thí nghiệm thực hành, GV các trường sử dụng thiết bị dạy học thường xuyên trong các giờ thực hành trên lớp.

Tại TP.Sa Đéc, Phòng GD&ĐT khuyến khích GV vận dụng sáng tạo việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin (giáo án điện tử), bản đồ tư duy trong giảng dạy, hạn chế việc đọc - chép; chỉ đạo đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá (giải quyết tình huống, trắc nghiệm, tự luận), riêng các môn: Toán, tiếng Anh, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý kiểm tra theo hình thức đề chung, chấm chung theo từng đơn vị. Đối với HS, từ nguồn kinh phí của Sở GD&ĐT. Phòng GD&ĐT tranh thủ nguồn kinh phí UBND thành phố trang bị 315 máy tính cho 15 phòng vi tính ở các trường Tiểu học và THCS. Các điểm trường Tiểu học gồm: Tiểu học Tân Khánh Đông 1, Tiểu học Tân Khánh Đông 3, Tiểu học Tân Phú Đông được hỗ trợ 3 phòng học ngoại ngữ.

Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Sở GD&ĐT đã mua sắm 44 bộ trang thiết bị, 35 bộ đồ chơi ngoài trời, 62 bộ máy vi tính, phần mềm Kidsmart với tổng kinh phí trên 6,2 tỷ đồng; ngoài ra cũng dành 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị cho các trường Mầm non trong vùng khó khăn. Năm học mới 2015-2016, các đơn vị trực thuộc Sở tiếp tục được hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng để trang bị đồ dùng nhà bếp, đồ chơi ngoài trời, máy tính, phần mềm. Đối với cấp THCS, THPT, Sở GD&ĐT cũng sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu Quốc gia trang bị bổ sung máy tính cho 63 trường THCS, 2 trường THPT, 15 phòng máy vi tính thực hành, phòng học ngoại ngữ cho 26 điểm trường. Trong quá trình trang bị, những đơn  vị trường vùng sâu được ưu tiên cấp máy tính, thiết bị phục vụ việc học tập môn giáo dục quốc phòng - an ninh.

Hoạt động đầu tư trang thiết bị phục vụ cho GV, HS được xem là một giải pháp phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy và học; xóa việc học “chay”, đọc chép; tạo điều kiện cho HS ứng dụng tốt kiến thức được học vào quá trình thực tế.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn