Thách thức của trường đại học trong bối cảnh mới

Cập nhật ngày: 11/10/2017 09:41:28

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang tạo ra sự thay đổi đặc biệt lớn trong tất cả lĩnh vực đời sống. Đây cũng là thách thức của trường đại học với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Đồng thời, theo nhận định của các nhà giáo dục tiến bộ, cuộc CMCN 4.0 cũng là cơ hội mới của các trường đại học.


Tự học và khai thác hiệu quả tài nguyên Internet - một yêu cầu quan trọng đối với sinh viên

Có nhiều thách thức đặt ra đối với các trường đại học, trước hết là thách thức của việc đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế đối với nguồn nhân lực trình độ cao. Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực có số lượng lớn mà còn đòi hỏi chất lượng cao. Xã hội và người học sẽ nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu người học. Bài toán chất lượng đào tạo là một thách thức lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam.

Thách thức về quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường được đề cao, trong khi một bộ phận cán bộ quản lý chậm đổi mới tư duy quản trị; khó thu hút giảng viên giỏi; nguồn lực tài chính còn hạn hẹp; hoạt động hợp tác quốc tế rất khó khăn.

Trường đại học phải cải thiện kết quả nghiên cứu khoa học trong điều kiện nguồn lực hạn chế. Trường đại học có 3 nhiệm vụ chính: đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Xét tới cùng, một trường đại học phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong khi năng lực nghiên cứu của một số giảng viên chưa đáp ứng so với yêu cầu (năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ); nguồn lực tài chính chi cho hoạt động nghiên cứu rất hạn hẹp.

Tiếp đến là thách thức nâng cao chất lượng đại học trong các ràng buộc về ngân sách. Muốn nâng cao chất lượng đại học nói chung, trường đại học phải thu hút được người giỏi làm giảng viên và tạo điều kiện cho họ phát triển năng lực giảng dạy và nghiên cứu; phải huy động được các nguồn lực phát triển cơ sở vật chất nhà trường; phải đáp ứng tài chính đủ yêu cầu chi phí đào tạo thực tế. Trong khi, ngân sách nhà nước cấp, học phí từ người học và đóng góp của cộng đồng không đáp ứng đủ yêu cầu chi phí; cơ chế tài chính vẫn còn nhiều ràng buộc cứng nhắc.

Nhu cầu đào tạo một số loại hình giáo viên giảm mạnh cũng đang là một thách thức lớn. Đào tạo giáo viên có trình độ đại học là thế mạnh của nhiều trường, song có nhiều trường đại học trong nước và trong vùng tham gia đào tạo giáo viên.

Theo dự báo từ nay đến năm 2020, nhu cầu giáo viên vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng không nhiều; giáo viên Mầm non tăng bình quân hàng năm là 500 người, giáo viên Tiểu học tăng bình quân hàng năm khoảng 1.200 người, giáo viên THCS tăng bình quân hàng năm là 1.500 người, giáo viên THPT giảm bình quân hàng năm là 200 người. Cộng thêm, một số chính sách của Nhà nước đối với giáo viên còn bất cập, nên chưa khuyến khích, chưa thu hút được nhiều người học vào những ngành sư phạm.

Thách thức về nguy cơ không thu hút được giảng viên giỏi. Dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đang chảy mạnh từ các nước đang phát triển sang các nước công nghiệp phát triển. Ở trong nước, xu hướng đó đang xảy ra theo hướng từ các trường đại học đóng trên địa bàn khó khăn sang các trường đại học ở các thành phố lớn, sang các doanh nghiệp, đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên trong các lĩnh vực công nghệ cao và ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngoài ra, trường đại học còn đứng trước những thách thức khác như: phải cân bằng giữa chất lượng giáo dục với số lượng sinh viên, cạnh tranh giữa các trường trong việc thu hút sinh viên chất lượng cao, tốc độ thay đổi siêu nhanh của tri thức và công nghệ của cuộc CMCN 4.0, khả năng dự báo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động ngày càng khó khăn, nhu cầu rút ngắn thời gian đào tạo dành cho người học mà vẫn đảm bảo chất lượng...

Với mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới, biến thách thức thành cơ hội, Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang triển khai xây dựng chiến lược phát triển nhà trường đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; thực hiện tái cấu trúc nhà trường để xây dựng bộ máy tinh gọn và cơ chế quản trị linh hoạt, hiệu quả bằng hệ thống các giải pháp sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc; chuyển đổi dần từ mô hình quản lý sang mô hình quản trị; đầu tư phát triển các đơn vị hỗ trợ và hoạt động dịch vụ. Đồng thời, nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hướng đến kiến tạo mô hình trường đại học chia sẻ: kết nối với nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và chuyên gia trong đào tạo nguồn nhân lực.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn