Thư gửi các nhà giáo Đất Sen hồng nhân ngày 20/11/2017

Cập nhật ngày: 17/11/2017 06:37:39

Thân gửi nhà giáo Đất Sen hồng!

Năm nào cũng vậy, gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là có người nhắc nhớ viết điều gì đó để chúc mừng, để tôn vinh, để truyền lửa cho đội ngũ làm công tác giáo dục tỉnh nhà. Mà dường như khỏi cần nhắc, từ trong sâu thẳm của lòng mình, tôi cũng luôn tự thôi thúc mình như vậy... Có điều là, phải làm sao để tránh trùng lắp với các năm trước. Không khéo lại viết thành bức thư mẫu giống như bài văn mẫu vậy!

Trong bộn bề của những vấn đề mà xã hội quan tâm thì câu chuyện giáo dục chưa bao giờ bị chìm vào quên lãng, có chăng, lúc thì âm ỉ, lúc thì bùng lên dữ dội, nhất là ở thời của mạng truyền thông internet. Cũng phải thôi, giáo dục đâu phải chỉ là câu chuyện của những người trong ngành, của các chuyên gia, của những bậc trí giả. Giáo dục là câu chuyện của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội. Giáo dục là chuyện của quá khứ, và quan trọng hơn, còn là chuyện của tương lai - tương lai của những thế hệ người, tương lai của quê hương, đất nước. Giáo dục đâu chỉ là chuyện của riêng một quốc gia, mà là chuyện trên khắp hành tinh này.

Do những điều kiện đặc thù của đất nước, chắc còn lâu lắm mới có một bảng thiết kế giáo dục đạt được sự đồng thuận tất cả. Nào là triết lý, nào là sản phẩm đầu ra của giáo dục như thế nào, nào là chương trình tích hợp và sách giáo khoa, nào là thi cử, nào là tự chủ, nào là dân chủ hóa... Mỗi vấn đề là mỗi tranh luận, phản biện. Cả xã hội trông chờ vào bảng thiết kế đó. Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ quản lý và thầy cô giáo càng trông chờ vào bảng thiết kế đó. Chúng ta đã quá quen thuộc với sự chờ đợi từ bên trên - khi trên chưa thay đổi thì dưới không thể thay đổi!?! Phải chăng đó là lối mòn, là trông chờ sự bao cấp tư duy; từ bên trên đã bám dính vào mỗi người chúng ta rồi? Có cách nào khác không?

Lịch sử các cuộc cách mạng, từ chính trị cho đến khoa học kỹ thuật cho thấy: không nhất thiết mọi đổi mới đều diễn ra từ tầng cao bên trên, mà có khi lại xuất hiện từ tầng thấp bên dưới. Ở tầng thấp, dễ phát hiện những điều bất cập giữa cơ chế, chính sách đôi khi đã lạc hậu, không còn theo kịp thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Ở tầng thấp, cơ cấu tổ chức nhỏ gọn, dễ xoay trở. Vấn đề là làm sao dám thoát ra khỏi tư duy; bao cấp tư duy.

Hàng ngày, tôi nhận được sự sẻ chia của nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở hiều cấp, nhiều thầy cô giáo ở nhiều bậc học. Tôi thật xúc động và biết ơn đối với những tấm gương tận tụy, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, niềm khát vọng của nhiều nhà giáo trên mảnh đất Sen hồng. Có người lặng lẽ tìm ra cái mới và chia sẻ cái mới với đồng nghiệp, với học sinh, sinh viên của mình. Có người muốn thoát ra nhưng hình như vẫn e dè, lúng túng. Nói như một doanh nhân nổi tiếng: Vậy là chúng ta đã nhìn thấy vấn đề rồi! Nhưng từ nhìn thấy cho đến giải quyết là một khoảng cách! Khoảng cách ấy xa hay gần phụ thuộc vào mỗi người, bất luận người đó ở đâu, cấp nào, là nhà quản lý hay người thầy trên bục giảng. Mỗi người có một sứ mạng riêng của mình, không có việc gì là nhỏ, có chăng, là ai đó không có thái độ đúng đắn đối với công việc, với cuộc đời mà thôi! Người thầy sẽ lựa chọn giữa dạy hết giờ, hết giáo án, hay lồng ghép vào từng tiết giảng, truyền cho học sinh niềm đam mê, lòng khát vọng, kỹ năng sống,... Lựa chọn đó chính là thái độ đối với công việc của người thầy.

Sự nghiệp giáo dục nước nhà không thể và không được nằm ngoài con đường đi phổ quát của nhân loại, không thể đứng bên lề cuộc cuồng phong mang tên Cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi người, từ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo có đang chuẩn bị nâng tầm của mình lên cấp độ 4.0 chưa? Trong Cuộc cách mạng này, nhiều khái niệm, kiến thức tưởng rằng là bất biến nhưng có thể và sẽ bị thay đổi. Mỗi người khi chuẩn bị nâng tầm của mình lên 4.0 có thể được xem là bắt đầu khởi nghiệp lần nữa trong đời rồi đó! Một nhà giáo dục học đã đúc kết: Dạy là học lần thứ hai kia mà!

Tôi biết rằng, nhiều nhà giáo đang có cuộc sống nhiều khó khăn, thu nhập chưa tương xứng với thiên chức mà xã hội trao cho. Tôi cũng được biết, không ít nhà giáo đang có những trắc ẩn trong các mối quan hệ với cấp quản lý, với đồng nghiệp. Hãy nhìn vào những gương mặt trong sáng của học sinh để lòng nhẹ nhàng hơn. Hãy nghĩ đến những học sinh hôm nay năm mười năm nữa sẽ trở thành những người quyết định sự thịnh vượng của xứ sở này để mỗi nhà giáo trào dâng niềm hạnh phúc, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp khi đứng trên bục giảng. Phải chăng sứ mạng của nhà giáo là đào tạo những người có khả năng làm việc, có thái độ cống hiến cho xã hội, và nhất là, có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong tương lai? Phải chăng mỗi nhà giáo là người thắp lên những ngọn lửa và truyền ngọn lửa đó, làm bùng cháy khát vọng của những thế hệ học sinh. Phải chăng niềm hạnh phúc của mỗi nhà giáo là nhìn thấy học sinh của mình trở thành những người thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, những cá nhân năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự sáng tạo. Muốn vậy, mỗi nhà giáo hãy vượt qua cái tôi của mình, cái cũ kỹ còn bị lực ma sát bám díu đâu đó, khi ấy sẽ thấy ý nghĩa tuyệt vời đối với chức phận của mình.

Ai đó tổng kết rằng: Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi! Năng lực của mỗi người là tổng hòa của kiến thức, kỹ năng và thái độ, trong đó thái độ quyết định 80% cho sự thành công đó! Một ông giáo làng Fukuzawa Yukichi là người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân. Nhờ đó mà nước Nhật trở nên cường thịnh. Nhờ đó mà thế giới chứng kiến với lòng khâm phục khi nhìn thấy hàng đoàn học sinh Nhật kiên nhẫn xếp hàng trong các đợt thiên tai, thảm họa. Phải chăng đó là hình ảnh tuyệt vời để những người thầy truyền cảm hứng cho học sinh của mình?

Ngạn ngữ có câu rất hay: Vấn đề không phải ở chỗ bạn có thể hay không, mà là bạn có làm hay không! Nhà giáo chúng ta là người có thể hay có làm? Nếu làm thì bắt đầu từ đâu? Cái gì cần bỏ đi vì đã lạc hậu? Cái gì cần thu nhỏ lại cho bớt đi hình thức, không thực chất? Cái gì cần bổ sung vào để không ngừng hoàn thiện phương pháp sư phạm hiện đại? Cái gì cần mở ra để giải phóng năng lượng trong mỗi cơ sở giáo dục? Trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý và mỗi thầy cô giáo là gì? Hãy làm những gì trái tim mình thôi thúc!

Hãy tự tìm câu trả lời phù hợp nhất cho mình và cùng nhau chia sẻ nhé!

Nhân ngày tôn vinh Nhà giáo và Nghề giáo, chúc cho tất cả nhà giáo Đất Sen hồng luôn đong đầy lòng tin và tràn đầy dũng khí để cùng đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà đi vào quỹ đạo của nền giáo dục 4.0! Mần không? Hay lại tiếp tục chờ đợi?

Thân ái!

Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn