Áp dụng khoa học công nghệ, hướng tới phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

Cập nhật ngày: 08/11/2013 06:09:17

Theo thống kê, sản lượng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản liên tục tăng nhưng giá trị gia tăng lại đang có xu hướng giảm dần. Phát triển ngành nông nghiệp theo chiều sâu bằng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đang là bước đi phù hợp...


Lai tạo và tuyển chọn giống lúa mới góp phần đáp ứng nhu cầu
sản xuất của người dân

Lúa là một trong những thế mạnh của tỉnh. Để sản phẩm nông sản này từng bước chinh phục thị trường, giảm chi phí đầu vào, thời gian qua, tỉnh tập trung vào nghiên cứu về lĩnh vực giống, chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật cho nông dân như: sử dụng giống chất lượng cao, sạ hàng, bón phân cân đối theo bảng so màu lá, áp dụng IPM để quản lý dịch hại tổng hợp... Đồng thời thực hiện các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”...

Phát huy lợi thế từ các mô hình sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, ngành nông nghiệp đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại” tiến đến cánh đồng liên kết”. Đây được xem là một trong những điểm nhấn đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh rẽ sang hướng mới. Năm 2013, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng liên kết đạt trên 51 ngàn ha, tăng 49 ngàn ha so với năm 2010. Sản lượng lúa tại những cánh đồng liên kết được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ tăng so với sản xuất truyền thống, lợi nhuận cao hơn thị trường 150 - 200 đồng/kg, góp phần cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn được ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, trong chương trình lai tạo và tuyển chọn giống lúa mới qua nhiều năm, Trung tâm Giống nông nghiệp đã chọn ra được 19 giống mới mang tên ĐTS (Dong Thap Seeds) góp phần bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.

Đối với cây ăn trái, các dự án tập trung vào nghiên cứu bảo vệ thực vật và xây dựng mô hình canh tác tổng hợp, sơ chế, bảo quản trên nhóm cây thế mạnh của tỉnh (quýt, xoài, nhãn). Thông qua việc ứng dụng kỹ thuật xử lý ra hoa, người nông dân biết lựa chọn thời vụ thích hợp để cho trái, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ trái cây tươi, giảm áp lực về giá khi thu hoạch rộ. Tiến tới áp dụng kỹ thuật mới, nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn và giảm giá thành.

Đối với hoa kiểng, các đề tài phục vụ chỉ mới bước đầu tập trung vào lĩnh vực giống và bảo vệ thực vật. Thời gian qua, việc xây dựng phòng cấy mô Trại giống Tân Khánh Đông mang lại những bước mới cho ngành sản xuất này, tạo ra được chất lượng hoa tốt đồng đều, ít sâu bệnh... Một số hộ nông dân đã biết sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lí giá thể trồng hoa kiểng. Tuy nhiên vẫn chưa có mô hình nghiên cứu các biện pháp bảo quản hoa kiểng để đảm bảo chất lượng sau thu hoạch.

Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện góp phần tăng năng suất, quản lý hiệu quả dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trên tinh thần đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng kết quả của nghiên cứu chọn tạo cải thiện di truyền tính trạng tăng trưởng con cá tra, đã chuyển giao 90.600 con cá tra hậu cải thiện di truyền cho 40 cơ sở sản xuất giống cá tra đủ điều kiện. Đồng thời tiến tới cải tiến quy trình sản xuất, ương nuôi cá tra, nâng cao tỷ lệ sống, tạo con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi cá tra của tỉnh. Năm 2013, các ngành hữu quan thực hiện đề tài “Gia hóa và chọn lọc tôm càng xanh bố mẹ phục vụ sản xuất giống ở Đồng Tháp”. Đến nay đã sản xuất tôm giống thế hệ F2 giao cho nông hộ nuôi thử nghiệm thương phẩm để so sánh với nguồn tôm khác của nông hộ.

Đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, tỉnh thực hiện dự án đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa góp phần giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch, nâng cao giá trị lúa hàng hóa và phẩm chất hạt gạo. Theo thống kê, diện tích thu hoạch bằng máy cả năm đạt tỷ lệ 75%, nông dân đã giảm chi phí trên 816 tỷ đồng. Ngoài ra còn giảm lượng lúa thất thoát sau thu hoạch trên 77 ngàn tấn (bình quân giảm 2,5%) và góp phần tăng chất lượng lúa gạo...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn