Cá điêu hồng Bình Thạnh từng bước khẳng định thương hiệu

Cập nhật ngày: 01/04/2015 06:10:45

Xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh hiện có khoảng 590 lồng, bè nuôi cá điêu hồng, sản lượng trên 42.000tấn/năm, chiếm 47% số lượng lồng bè toàn huyện, trong đó Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng Bình Thạnh có 109 bè/19 hộ.

Kỹ sư Nguyễn Công Sơn, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh cho biết: “Trong năm 2014 từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trạm Khuyến nông kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND xã Bình Thạnh triển khai thực hiện mô hình VietGAP trên cá điêu hồng tại HTX cá điêu hồng Bình Thạnh. Sau 8 tháng triển khai thực hiện, đến cuối tháng 12/2014, được Công ty TNHH công nghệ Nho Nho thẩm định và cấp chứng nhận cho 55 lồng bè của 10 hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Qua hơn 1 năm thực hiện, các hộ nuôi đã được các ngành chuyên môn tỉnh, huyện tổ chức tập huấn về cách ghi chép nhật ký sản xuất, kỹ thuật nuôi, biện pháp phòng trị bệnh đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phan Văn Hòa ở ấp Bình Mỹ B thu hoạch 8 bè cá điêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bán với giá từ 34 ngàn - 35 ngàn đồng/kg, cao hơn ngoài mô hình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Ông Hòa cho biết: “Được chứng nhận VietGAP coi như mình có cơ sở vững chắc không bị thương lái chèn ép giá như những năm trước. Trước đây thương lái đến mua nói con cá bị cái này, cái kia để hạ giá, nhưng nay thì chỉ cần xem cá đủ trọng lượng hay không đủ trọng lượng”.

 Hiệu quả từ việc áp dụng đúng quy trình sản xuất như: mật độ nuôi, sử dụng phù hợp thức ăn, thuốc góp phần giảm chi phí từ 2 – 3%, tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể, năng suất tăng hơn 2% so với nuôi theo hình thức truyền thống. Đặc biệt, là sản phẩm bán ra thì trường dễ dàng hơn, vì người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm cá điêu hồng đạt chuẩn theo VietGAP. Ông Nguyễn Văn Chiến ở ấp Bình Mỹ A chia sẻ: “Nhờ nuôi có kỹ thuật, được Trạm khuyến nông hướng dẫn từ cách thức làm bè, cho ăn, sử dụng thuốc.... Giá thành sản xuất hồi trước là 30.000 đồng/kg, bây giờ lại chỉ còn 28 - 29.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ việc giảm giá thành sản xuất đã là 2.000 đồng/kg, tôi rất yên tâm”.

Đây là tín hiệu vui cho bà con nuôi cá điêu hồng Bình Thạnh, là cơ sở để sản phẩm cá điêu hồng đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiệu lực của giấy chứng nhận là 2 năm, do đó để giữ vững thương hiệu thì vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương và các hộ nuôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để từng bước khẳng định thương hiệu và tiến tới nuôi cá điêu hồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.

Kỹ sư Nguyễn Công Sơn cho biết thêm: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với UBND xã Bình Thạnh sẽ tiếp tục nhân rộng hướng dẫn cho người dân nuôi cá điêu hồng lồng bè cùng thực hiện, nhằm mở rộng vùng nuôi các điêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Thành Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn