Các hợp tác xã chủ động nước tưới, đảm bảo sản xuất

Cập nhật ngày: 18/04/2016 11:56:02

Thời tiết trên địa bàn tỉnh hiện đang trong đợt khô hạn nên tình hình nước sản xuất tại các địa phương bắt đầu khó khăn hơn. Để chủ động nguồn nước tưới, các hợp tác xã (HTX) đề ra các giải pháp ứng phó từ đầu vụ.

Tổ hợp tác sản xuất thị trấn Sa Rài cho nước vào đợt 2 để người dân chăm sóc lúa

Trên những cánh đồng thuộc địa bàn xã Tân Bình (Thanh Bình) những ngày này người dân đang khẩn trương lấy nước đợt 3 để chuẩn bị cho giai đoạn cấy lúa vụ hè thu. Bà Nguyễn Thị Mai ở ấp 1, xã Tân Bình cho biết, gia đình bà có 6 công đất, đến thời điểm này đã gieo sạ được gần 20 ngày, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà Mai huy động toàn bộ nhân lực gia đình ra đồng dặm lúa. Theo bà Mai, năm nay mặc dù hạn nặng nhưng nhờ HTX Tân Bình chủ động nước nên đến thời điểm này toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đều đủ nước tưới, lúa phát triển tốt.

Ông Phan Công Chính, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cho biết, tình trạng hạn hán mùa khô vẫn xảy ra hàng năm nhưng thời tiết năm nay hạn trầm trọng hơn nên nguồn nước sông cạn kiệt sâu. Do đó, để chủ động nước tưới cho vụ hè thu, HTX đã họp bàn đưa ra các giải pháp chống hạn. Cụ thể, nạo vét kênh mương nội đồng, thay đổi các máy bơm tu hít bằng hệ thống bơm hút để tiện việc bơm tưới. Bên cạnh đó, HTX tuyên truyền để xã viên quan tâm tích cực hơn cho công tác này, tiết kiệm nước hiệu quả nhằm giảm chi phí và đảm bảo sản xuất cho xã viên. Nhờ các biện pháp đã triển khai, đến nay 650ha đất sản xuất vụ hè thu này của HTX đều đảm bảo nước tưới.

Tương tự như HTX nông nghiệp Tân Bình, tổ hợp tác (THT) sản xuất thị trấn Sa Rài (Tân Hồng) cũng chủ động nguồn nước tưới từ đầu vụ, nên đảm bảo đủ nước cho diện tích xuống giống vụ hè thu 2016. Ông Nguyễn Văn Hiền - chủ đầu tư trạm bơm điện  tại đây cho biết, mặc dù năm nay hạn hán, thiếu nước sản xuất nhưng cánh đồng lúa của THT vẫn đảm bảo đủ nước tưới, chúng tôi đang cho nước vào đợt 2 để người dân chăm sóc lúa. Chúng tôi chọn giải pháp bơm nước vào thời điểm nước lên nhiều, tăng công suất, bơm xuyên suốt trong vòng 5 ngày - đêm để có đủ lượng nước cho người dân xả vào ruộng.

Tuy nhiên, theo ông Hiền, khó khăn của các HTX là tăng công suất bơm nước thì chi phí tiền điện sẽ tăng lên rất nhiều so với bình thường. Nắng nóng, nước cạn, để bơm đủ lượng nước tưới như thông thường thì thời gian bơm dài hơn, ví dụ trước đây lượng nước bình thường chỉ bơm 4 giờ/ngày là đủ nhưng hiện nay nước kiệt phải bơm tới 6 giờ/ngày, chi phí tiền điện tăng khoảng 70-75% so với trước.

“Thông thường HTX chỉ thu tiền nước 1vụ/lần với giá khung quy định là 1.400 ngàn đồng/ha/vụ  nên dù hạn hán, chi phí bơm nước có tăng nhưng đối với xã viên diện tích sản xuất vẫn đảm bảo và không ảnh hưởng đến chi phí bơm tưới” - ông Phan Công Chính, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình cho biết. Còn theo ông Hiền - chủ đầu tư trạm bơm điện thị trấn Sa Rài, nhờ ở đầu nguồn nên THT tận dụng nguồn nước xả từ thượng nguồn xuống, nước lên khoảng 3 - 4 tấc, THT tiến hành bơm nước xuyên suốt cho bà con, theo tính toán, chi phí bơm tưới nước trong vụ khô hạn này tăng khoảng 30% so với bình thường.

Ông Lê Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay, 100% diện tích bị hạn hán hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số tuyến kênh cũng cạn kiệt nước vào thời gian cao điểm, nhưng các địa phương đã vận động các HTX, chủ đầu tư đường nước vận dụng linh hoạt những lúc nước lớn tăng cường bơm tưới cho đủ nước. Hiện tỉnh cũng đang tận dụng nguồn vốn thủy lợi phí nạo vét 8 công trình chống hạn nhằm đảm bảo nước tưới đầy đủ cho các diện tích sản xuất.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn