Huyện Lấp Vò

Cần có giải pháp đồng bộ giúp nông sản địa phương phát triển

Cập nhật ngày: 08/04/2015 13:46:19

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Lấp Vò sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng. Trong kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đang tiến tới khai thác những sản phẩm chiến lược này, song so với nhu cầu thực tế thì cần có những “cú hích” để giúp nông sản địa phương phát triển.

Kiệu là sản phẩm thế mạnh của huyện

Vừa qua, tại buổi làm việc nhiều nội dung với UBND tỉnh, địa phương thông tin, trong kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện xác định khai thác những sản phẩm thế mạnh như lúa gạo, hoa màu, tôm, bò thịt, xoài...

Trong những năm qua đối với cây lúa, huyện đã tiến đến liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho nông sản. Vụ đông xuân vừa qua, huyện làm cầu nối để các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trao đổi, bàn bạc tiến đến thực hiện liên kết sản xuất, có 3 doanh nghiệp thực hiện cánh đồng liên kết, tổng diện tích 723ha. Qua thống kê, tổng sản lượng lúa thông qua hợp đồng gần 7.500 tấn. Ngoài ra, trong vụ này, Câu lạc bộ lúa giống Bình Thạnh Trung còn liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang sản xuất 280ha giống xác nhận và được doanh nghiệp thu mua 2.000 tấn.

Hoa màu cũng là một trong những thế mạnh của huyện với diện tích tăng theo từng năm, dao động khoảng 900ha tại các xã: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B và Hội An Đông. Theo đó, huyện thực hiện thí điểm xây dựng vùng rau an toàn diện tích 0,6ha, từng bước được người tiêu dùng chấp nhận và sản phẩm đã có mặt tại 1 số chợ trong huyện và tại siêu thị Co.op Mart Cao Lãnh. Vừa qua, 2 sản phẩm thế mạnh của địa phương là kiệu và khoai môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận hàng hóa...

Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành tỉnh, sản phẩm của địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Đối với cây lúa, diện tích liên kết vẫn còn ít. Đối với hoa màu, dù được đầu tư lớn từ tỉnh nhưng với việc sản xuất theo truyền thống, thiếu thông tin thị trường nên nhiều lúc phải dội chợ dù sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Một số sản phẩm rau an toàn với những nỗ lực bước đầu đã có mặt tại siêu thị, nhưng không lâu cũng “mất dấu” tại kênh thị trường này bởi không đủ cung ứng hàng hóa cho siêu thị, đồng thời không đáp ứng tiêu chí đa dạng chủng loại mà siêu thị yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Minh Trang - Giám đốc Siêu thị Coop.Mart Cao Lãnh cho biết, nông sản của địa phương nói chung có tiềm năng rất lớn, được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, do nông dân sản xuất còn manh mún, chưa chuyên nghiệp dẫn đến sản xuất những thứ mình có chứ chưa đáp ứng được thứ khách hàng yêu cầu, dẫn đến chủng loại hàng hóa không đủ hàng giao cho siêu thị.

Còn theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương: “Địa phương cho rằng rau màu hiện nay thiếu thị trường, tuy nhiên, Sở Công Thương cam kết rằng sản phẩm rau màu sẽ có cơ hội góp mặt tại kênh tiêu thụ siêu thị khi đáp ứng được tiêu chí số lượng, chất lượng vệ sinh thực phẩm. Hiện thị trường đối với rau màu vẫn còn rất giàu tiềm năng”.

Đối với sản phẩm nuôi bò thịt, ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tỏ ra băn khoăn. Biết rằng huyện thừa hưởng nguồn phụ phẩm từ vùng màu nên giá thành nuôi thấp, lợi nhuận cho ra sẽ khá. Tuy nhiên, đây chỉ dừng lại việc nuôi đơn lẻ, nếu quy mô lớn e rằng sẽ khó mang lại kết quả như mong đợi. Đồng thời sự xuất hiện bò Úc trên thị trường với giá hấp dẫn sẽ là sự cản trở đối với mặt hàng này và khó khăn khác là chất lượng con giống còn đang bỏ ngỏ, chủ yếu nhập từ Campuchia.

Riêng mặt hàng tôm càng xanh đang phát triển mạnh với 200ha mang lại nguồn lợi cao, song diện tích canh tác lại sản xuất manh mún, chất lượng con gống không cao, dẫn đến giá thành tăng cao...

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với UBND huyện Lấp Vò, đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương nhiều đại biểu cho rằng, huyện cần xúc tiến việc liên kết tiêu thụ. Trong đó, cần nhất là sự có mặt của các HTX đủ mạnh để làm cầu nối liên kết, xây dựng phương án sản xuất đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp - thị trường một cách chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian tới, huyện cần nghiên cứu khai thác thêm đối với sản phẩm thế mạnh; lưu ý không chỉ trông chờ vào kênh phân phối từ siêu thị mà cần thu hút nhiều kênh tiêu thụ khác đến với vùng nông sản địa phương, định hướng phương án sản xuất song song với phát triển kinh tế tập thể...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn