Cần tăng vốn hỗ trợ để phát triển nghề dệt chiếu

Cập nhật ngày: 28/03/2014 06:24:49

Làng nghề chiếu thuộc 2 xã Định Yên và Định An, huyện Lấp Vò đang trên đà phát triển rất tốt kể từ sau khi Làng nghề chiếu Định Yên được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của các hộ dân rất lớn, trong khi nguồn vốn vay hỗ trợ còn khá hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất của làng nghề.


Người dân làng nghề chiếu Định Yên đang rất cần nguồn vốn
để phát triển sản xuất

Hiện toàn làng nghề có khoảng 2.000 hộ dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu, với thu nhập bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Người theo nghề phần đông là phụ nữ và người già. Ngoài ra, một số hộ có vốn thì thu mua, dự trữ nguyên liệu và tổ chức cho người lao động trong làng nghề đến làm việc hoặc nhận lác về làm tại nhà. Nhờ vậy, nhiều người dân làng nghề dù không có vốn nhưng vẫn có việc làm quanh.

Bà Nguyễn Thị Dung, một người gắn bó lâu năm với nghề chiếu thuộc ấp An Bình, xã Định Yên, cho biết: “Chiếu của làng nghề nổi tiếng bền, đẹp nên sản phẩm làm ra đều tiêu thụ hết. Cho nên, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, các thương lái thu mua chiếu có đầu mối tiêu thụ ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, các tỉnh phía Bắc và xuất sang thị trường Lào, Campuchia...”.

Theo đánh giá của nhiều người trong nghề, nguồn nguyên liệu lác dùng để sản xuất chiếu tương đối đủ cung cấp cho việc sản xuất. Tuy nhiên, giá lác có thời điểm khá cao, nên phần lớn người dân trong nghề phải mua lại lác từ các hộ trữ hàng và các nơi khác với giá cao, nên lợi nhuận không nhiều. Đối với người dân làng nghề chiếu thuộc 2 xã Định Yên và Định An, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn dự trữ nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Lắm, hộ sản xuất chiếu thuộc ấp An Hòa, xã Định An, cho biết: “Những năm gần đây, giá lác liên tục biến động do sự can thiệp tranh mua nguyên liệu của tiểu thương các nơi khác. Đầu năm 2012, giá lác chỉ 10 triệu đồng/tấn, thời điểm hiện tại giá lác đã lên 12 triệu đồng/tấn, lúc khan hiếm lên đến 13 triệu đồng/tấn. Vì vậy, người làm nghề chiếu nếu không có vốn dự trữ lác thì sẽ bị lỗ. Đối với gia đình tôi, mỗi lần nhập khoảng 1 - 2 tấn nguyên liệu cũng cần ít nhất 22 - 24 triệu đồng. Làm nghề truyền thống này chủ yếu lấy công làm lời, nhưng nếu cứ phải vay tiền ngân hàng với lãi suất cao thì sẽ rất khó khăn.”

Bà Trần Thị Lệ - chuyên sản xuất chiếu thuộc ấp An Bình, xã Định Yên chia sẻ: “Hầu hết người dân theo nghề truyền thống dệt chiếu lác thuộc làng nghề rất muốn gắn bó với nghề ông cha để lại, nhưng do thiếu vốn nên việc đầu tư máy móc cũng rất khó khăn.”

Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Định Yên cho biết: “Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người dân lao động nông thôn, mỗi hộ tùy theo diện sẽ được vay vốn 10 - 12 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để sản xuất. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn nên không thể đáp ứng đủ. Những năm gần đây, chúng tôi thu hẹp số hộ được vay để nâng số tiền vay mỗi hộ lên cao hơn và ưu tiên cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.”

Theo ông Nguyễn Xuân Phương - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chiếu Xuân Phương: “Mong muốn của bà con hiện nay là được hỗ trợ vốn vay, thay đổi dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, cũng như mở các lớp tập huấn về mẫu mã mới để sản phẩm làm ra đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần hỗ trợ thành lập hợp tác xã lác để ổn định giá nguyên liệu và giúp người dân tránh khỏi tình trạng bị ép giá. Ngoài ra, đề nghị ngành điện lực nên xem xét lại nguồn điện cung cấp các hộ sản xuất trong làng nghề, vì có nhiều thời điểm không vận hành máy dệt chiếu được do điện quá yếu”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn