Cần tạo thuận lợi để bà con làng nghề dệt chiếu tiếp cận nguồn vốn vay

Cập nhật ngày: 01/09/2014 11:47:40

Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, Làng nghề dệt chiếu tại 2 xã Định An và Định Yên của huyện Lấp Vò được người trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Từ mặt hàng “cây nhà lá vườn” tiêu thụ nội địa, đến nay chiếu Định An, Định Yên vươn đến nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn...


Thiếu vốn trữ lác thời điểm giá lác thấp đã làm giảm một phần
lợi nhuận của người dân

Ông Phan Văn Bé Tư - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thảm Thanh Bình tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò, cho biết: “Sau khi Làng nghề dệt chiếu Định Yên được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể thì việc kinh doanh mặt hàng chiếu có nhiều khởi sắc. Từ việc chỉ bán hàng qua nước bạn Campuchia, đến nay HTX mang chiếu sang chào hàng tại các thị trường có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam như: Malaysia, ThaiLan, Singapore... và đã ký kết được những đơn hàng đầu tiên. Qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong vấn đề giải quyết đầu ra cho bà con làng nghề. Hiện HTX Chiếu thảm Thanh Bình phát triển được hơn 40 đại lí ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, tiếp cận được với thị trường các nước Đông Nam Á với sản lượng tiêu thụ trên 100 ngàn chiếc chiếu các loại cho làng nghề tại 2 xã Định Yên và Định An của huyện Lấp Vò.

Tuy nhiên, khó khăn của HTX hiện nay chính là tìm nguồn vốn để xoay vòng nguồn nguyên liệu cũng như đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng kinh doanh, sản xuất. Khi nguồn vốn vay từ các ngân hàng rất khó tiếp cận do HTX không có tài sản thế chấp.. Ông Bé Tư cho hay, vốn điều lệ của HTX chỉ khoảng 600 triệu đồng, vốn lưu động hơn 1,5 tỷ. Trong khi nhu cầu vốn để xoay vòng nguồn nguyên liệu và chờ thu hồi vốn từ đối tác nước ngoài chậm, nên đã gây nhiều khó khăn cho HTX. Có lúc HTX phải tạm ngưng thu mua chiếu của bà con gần 10 ngày do không còn vốn. “Tôi cũng nhiều lần “gõ cửa” các ngân hàng thương mại trên địa bàn, thế nhưng Ngân hàng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của HTX với lí do thiếu tài sản thế chấp. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến người dân làng nghề” - ông Bé Tư nói.

Là một hộ làm nghề dệt chiếu gần 20 năm, ông Nguyễn Văn Lem, xã viên HTX thảm Thanh Bình biết rất rõ thời điểm lên xuống của giá lác và giá chiếu. Thế nhưng, việc trữ chiếu và trữ lác lúc giá thấp là việc không mấy người làm được do không có vốn. Ông Nguyễn Văn Lem mới vừa được giải ngân 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện trong tháng 7, dù vay được vốn nhưng do qua thời điểm giá lác xuống nên số tiền ấy cũng không giúp cho ông có thêm lợi nhuận. Ông Lem chia sẻ: “Nếu không có vốn thì “chịu thiệt” nhiều lắm, bởi chúng tôi phải mua chịu lác với giá cao hơn thị trường, lợi nhuận của bà con cũng chỉ là ăn trước trả sau, nên điều chúng tôi mong mỏi hiện nay là làm sao nhà nước có chính sách cho vay hợp lý để HTX cũng như làng nghề có điều kiện mở rộng sản xuất, tạo thu nhập ổn định hơn...”.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn