Chính sách khuyến công - Đòn bẩy giúp công nghiệp nông thôn đột phá

Cập nhật ngày: 30/03/2021 05:43:25

ĐTO - Phát triển công nghiệp hợp lý giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế chiến lược được tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Từ những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời từ nguồn kinh phí khuyến công giúp phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, từng bước đưa các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ bắt nhịp với bối cảnh kinh tế hội nhập.

Thời gian qua, với việc đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn tại Đồng Tháp phát triển mạnh. Tuy nhiên, các DN công nghiệp ở khu vực nông thôn phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu và chậm đổi mới. Mặt khác, trình độ quản lý, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa cao, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp.

Hiểu được những khó khăn của các DN vừa và nhỏ ở nông thôn trong những năm qua, trong giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp đề ra nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho các DN. Nổi bật là các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...

Thông qua chương trình, bước đầu hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và cải tiến công nghệ. Từ đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.

Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, tổng nguồn kinh phí thực hiện chương trình khuyến công của tỉnh Đồng Tháp là 126,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia hỗ trợ 5,3 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng kinh phí, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ trên 23,7 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng kinh phí. Hỗ trợ từ các chương trình khác tại địa phương là trên 2,6 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng kinh phí. Tổng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn này là 95,1 tỷ đồng (chiếm 75% tổng kinh phí). Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt là nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ tiềm lực của ngành công nghiệp khu vực nông thôn, đưa ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong giai đoạn 2021 – 2025, Sở Công Thương đề ra nhiều chương trình khuyến công hỗ trợ DN khu vực nông thôn, tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ hỗ trợ 8 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 174 cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời tổ chức tham gia 15 đợt hội chợ trong nước; tổ chức 5 đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký thương hiệu. Song song đó, hỗ trợ tư vấn cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn trong các hoạt động lập dự án đầu tư, marketing; quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới...

Các hoạt động khuyến công không chỉ hỗ trợ từ kinh phí của Nhà nước, mà là cơ chế khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời với đòn bẩy từ hoạt động khuyến công sẽ giúp các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động nắm bắt cơ hội, điều kiện thuận lợi, tích cực tham gia đầu tư phát triển sản xuất và tự tin hơn trên con đường hội nhập quốc tế.

Các ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công được quy định tại Điều 5, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP bao gồm: công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến thực phẩm; sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm, phụ tùng; lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử - tin học; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn