Tái cơ cấu ngành nông nghiệp:

Cốt lõi là tăng lợi nhuận cho nông dân

Cập nhật ngày: 11/07/2014 06:32:15

Phát biểu tại hội nghị báo cáo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng Đồng Tháp xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp không đi theo hướng về giá mà tinh thần cốt lõi là làm sao giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân, thông qua hợp tác liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.


Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận
cho người nông dân

Theo ông Lê Minh Hoan, tỉnh đang triển khai một số công việc của Đề án và đã đạt được những thành công bước đầu. Diện tích cánh đồng liên kết tăng, mô hình liên kết được nhân rộng. Nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới, cam kết đồng hành cùng thực hiện Đề án. Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May xây dựng thương hiệu gạo theo mùa Nosavina; Công ty TNHH Lúa gạo Cẩm Nguyên đưa ra chương trình “Hỗ trợ nông dân trữ lúa chờ giá”; Công ty Lương thực Tân Hồng tiếp tục mở rộng vùng dự án; Công ty Lương thực Đồng Tháp cũng đã bắt tay xây dựng chuỗi liên kết. Gần đây, Công ty TNHH ADC đang xúc tiến dự án “Cánh đồng mơ ước”. Tuy nhiên, trong triển khai đã phát sinh một số khó khăn, niềm tin của các chủ thể trong các mối liên kết chưa thật bền vững. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Nếu xem người sản xuất là điều kiện cần, thì doanh nghiệp là điều kiện đủ trong tái cơ cấu. Chính doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường, bởi phải sản xuất theo thị trường, mà tín hiệu của thị trường chính là thông qua doanh nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan thông tin: “Gần đây, khi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, thấy rằng nếu muốn chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) thì họ phải hợp tác với một doanh nghiệp địa phương chứ không thể nào chuyển giao cho người nông dân hay hợp tác xã (HTX). Điều này càng khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong việc liên kết chuyển giao KHCN trong thời gian tới. Mới đây, một chuyên gia Nhật Bản đề nghị tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ hình thành một khu gọi là thung lũng lúa gạo, trong đó có sự hợp tác thông tư, hợp tác giữa doanh nghiệp địa phương với các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Nhật Bản để đầu tư về KHCN cho cây lúa và những sản phẩm chế biến sau lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một ý tưởng rất táo bạo, để đạt được điều này Đồng Tháp sẽ xây dựng một kế hoạch để các bộ, ngành cho ý kiến”.

Vai trò cầu nối của HTX với nông dân và doanh nghiệp còn yếu. Do vậy, tỉnh đề nghị được chi từ nguồn ngân sách địa phương để đào tạo chức danh Phó Giám đốc HTX từ những sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh doanh. Tỉnh sẽ đào tạo thêm về kiến thức kinh tế hợp tác và trả lương từ ngân sách địa phương cho các chức danh này từ 3-5 năm khi họ làm việc ở các HTX. Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Bởi vì chúng tôi thấy rằng, chỉ có cấy nhân tố mới vào HTX thì mới có thể nâng cao năng lực các HTX vì các em có tư duy quản trị, kiến thức chuyên ngành, đủ thời gian giao dịch với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường và biết xây dựng một đề án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển HTX. Thông qua đó có thể kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức tín dụng hoặc muốn mở rộng xã viên góp vốn thì cũng từ các kế hoạch này”.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp được xây dựng từ thực tiễn sản xuất và định vị theo nhu cầu thị trường. Do đó, Đề án không đi theo hướng về giá mà tinh thần cốt lõi là làm sao giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân, thông qua hợp tác liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Đề án cũng xác định những tín hiệu tích cực từ mô hình liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp thời gian qua là nhân tố quan trọng để định vị lại nền sản xuất hiện nay. Vấn đề là cần có sự đột phá về thể chế để xây dựng mối liên kết bền chặt trong nông dân và thu hút sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp ngay từ khâu sản xuất ban đầu.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Đồng Tháp khi xây dựng Đề án không nên quá “cầu toàn” nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả, đồng thời vừa triển khai Đề án vừa rút kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện Đề án, nhất là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cần phải phù hợp với quy hoạch sản xuất của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, cũng như phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn