Đồng Tháp

Dấu ấn sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 16/02/2021 06:58:51

ĐTO - Tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực (lúa gạo, hoa kiểng, vịt, thủy sản, xoài) cùng với những chính sách linh hoạt, qua 5 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp đã đạt được những kết quả mang tính đột phá, trong đó nổi bật nhất là thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”.


Đặc sản Xoài Đồng Tháp dần chinh phục các thị trường khó tính sau 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tư duy đột phá

Tỉnh Đồng Tháp là địa phương đầu tiên của cả nước được Trung ương chọn thí điểm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) theo hướng “Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Chính vì đi trước, nên có những sự thay đổi chưa đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Tuy vậy, qua 5 năm thực hiện, có thể khẳng định, Đề án TCCNN của tỉnh Đồng Tháp đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi.

Nổi bật nhất là sự chuyển biến nhận thức của nông dân từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Nông dân Đồng Tháp ngày nay đã không còn sản xuất chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Cùng với đó, nông dân còn chú trọng liên kết, hợp tác hình thành vùng sản xuất lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.

Nhiều mô hình hay, cách làm mới được hình thành, đặc biệt, mô hình Hội quán nông dân và Hợp tác xã ứng dụng IoT, AI trong quản lý sản xuất ngày càng được nhân rộng. Cụ thể, từ mô hình “Cây xoài nhà tôi” đầu tiên của Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, đến nay đã có một số Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng mô hình này như: “Cam nhà mình”, “Ruộng nhà mình”... Đặc biệt, mô hình ứng dụng toàn diện IoT, AI đồng bộ nhất là mô hình Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, thông qua mô hình giúp nông dân dần tiếp cận công nghệ trong sản xuất.


Cá tra được xem là ngành đóng góp tỷ trọng rất lớn cho kinh tế của tỉnh

Từ những thay đổi đó, đã giúp tăng trưởng ngành nông nghiệp tiếp tục được giữ vững, với mức tăng bình quân 3,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), cao hơn 0,6% so với chỉ tiêu chung cả nước. Tốc độ tăng thu nhập trên 1ha đất trồng trọt bình quân tăng 6,5%/năm, tốc độ tăng thu nhập từ chăn nuôi là 2,6%/năm, tốc độ tăng thu nhập từ thủy sản hơn 4,0%/năm và tốc độ tăng thu nhập chế biến nông lâm thủy sản 6,47%/năm. Đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của giai đoạn 5 năm (2015-2020) là 6,44%, đứng vào hàng khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Ngành hàng vịt đã liên kết tiêu thụ được với doanh nghiệp sau 5 năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Điểm sáng về nông nghiệp chế biến

Song song đó, đáng ghi nhận là quá trình TCCNN của tỉnh còn thúc đẩy công nghiệp chế biến tiếp tục phát triển, đặc biệt là chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng đã làm gia tăng giá trị sản phẩm, nhiều sản phẩm mới được ra đời, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với chính sách khuyến khích doanh nghiệp phù hợp, nhiều doanh nghiệp đầu tàu cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư công nghệ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các ngành hàng chủ lực. Từ đó, tạo thêm nhiều giá trị cho các ngành hàng tái cơ cấu của tỉnh. Có thể kể đến sự đa dạng của các sản phẩm từ sen (hạt sen sấy, sữa sen, các loại trà, rượu từ sen); các sản phẩm từ mãng cầu (nước ép mãng cầu, mứt mãng cầu, trà mãng cầu); các sản phẩm từ xoài (xoài sấy dẻo, nước ép xoài)...

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp của ngành hàng này để làm nguyên liệu cho ngành hàng khác. Điển hình như sản xuất lúa, không chỉ thu được giá trị trực tiếp từ hạt gạo mà còn có giá trị sau hạt gạo, với hàng loạt các sản phẩm giá trị gia tăng khác như: dầu từ cám gạo, trấu viên để xuất khẩu, rơm để trồng nấm; hay như vỏ bưởi, vỏ quýt trước đây chỉ bỏ đi thì nay có thể chiết xuất làm tinh dầu hoặc sản phẩm vỏ bưởi sấy, vỏ quýt sấy được bán với giá cao hơn.

Đánh giá về kết quả đạt được của quá trình TCCNN, trong một lần về làm việc với Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tựu khá toàn diện của Đồng Tháp là những kinh nghiệm quý, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của các cấp chính quyền Đồng Tháp đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng tiến bộ; bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, kết quả TCCNN của Đồng Tháp rất ấn tượng với những cách làm bài bản, đồng bộ cả về sản phẩm, mô hình sản xuất, triển khai liên kết “4 nhà” rõ nét; khoa học công nghệ được triển khai tốt, nhờ đó nâng cao được chuỗi giá trị. Nhìn nhận những thành công bước đầu này ở Đồng Tháp là rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết mô hình ở Đồng Tháp để nghiên cứu, hoàn thiện nhân rộng trên cả nước.


Sản xuất lúa gạo theo chuỗi giúp gia tăng giá trị sản phẩm

Thay đổi để hội nhập

Phấn khởi trước những kết quả đạt được, song Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, những kết quả đạt được sau 5 năm TCCNN chỉ là bước đầu, công cuộc TCCNN vẫn còn bước tiếp trên hành trình dài và còn cần những giải pháp cho sự tăng trưởng cao hơn của nông nghiệp trong tình hình mới.

Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết; biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng được xem là thời cơ và cũng là nguy cơ của các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình mới. Để nắm bắt, chủ động ứng phó đòi hỏi doanh nghiệp và nông dân phải tích cực tìm các giải pháp giảm thiểu chi phí, tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo các quy chuẩn về quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc và lưu giữ hồ sơ dữ liệu. Chính vì vậy, áp dụng công nghệ số sẽ là giải pháp tối ưu cho sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Mục tiêu trong 5 năm tới của Đồng Tháp là phấn đấu giá trị tăng thêm toàn ngành nông nghiệp gần 22.900 tỷ đồng; thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, giảm lao động nông nghiệp còn 40%; nâng cao năng lực cho Hợp tác xã nông nghiệp, thu nhập nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020. Mục tiêu quan trọng nữa, đó là bảo vệ tài nguyên tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển nền “nông nghiệp thông minh”; nâng cao năng lực quản lý rủi ro để sẵn sàng ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu.


Hoa kiểng Sa Đéc gia tăng giá trị nhờ phát triển du lịch

Để thực hiện những mục tiêu này, những bước đi tiếp theo của ngành nông nghiệp sẽ là tiếp tục thực hiện Đề án TCCNN với những cách làm sáng tạo, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng ổn định phát triển kinh tế nông nghiệp gia tăng về giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản; nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn gắn giải quyết việc làm; tăng thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống của nông dân thịnh vượng, nông thôn hiện đại.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện Đề án TCCNN, đến nay có thể khẳng định, Đồng Tháp bước đầu đã tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành kinh tế mũi nhọn vốn còn nhiều tiềm năng. Quá trình tái cơ cấu còn dài, tuy nhiên với những kết quả bước đầu này sẽ là động lực lớn để Đồng Tháp bước tiếp chặng đường TCCNN trong thời gian tới...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn