Định hướng đầu tư cho giao thông và đô thị

Cập nhật ngày: 18/06/2012 07:48:44

Cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị là hai trong nhiều lĩnh vực mà tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển kinh tế ổn định, nâng cao hơn nữa vị thế của tỉnh.

Tỉnh có lợi thế giao thông là nhiều quốc lộ, sông Tiền, sông Hậu đi qua. Toàn tỉnh có 3.402 km đường giao thông bộ, sắp tới tuyến đường N2 hoàn thành sẽ đánh thức tiềm năng kinh tế Đồng Tháp Mười và cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống được xây dựng sẽ kích thích mọi ngành kinh tế phát triển...


Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng

Hệ thống giao thông quốc gia trên địa bàn sẽ xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III, một số tuyến đạt tiêu chuẩn cấp II và cấp IV, mặt bê tông nhựa. Đó là tuyến QL 30, QL 54, QL 80, đường Hồ Chí Minh, tuyến N1, QL 30 B, QL 80 B; xây dựng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống.

Nâng cấp một số tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp III, mặt nhựa rộng 9m. Giai đoạn 2011-2015, nâng cấp tuyến ĐT842, ĐT853 (trước mắt đạt tiêu chuẩn cấp IV, sau năm 2020 đạt tiêu chuẩn cấp III); giai đoạn 2016-2020 nâng cấp các tuyến ĐT 841, ĐT844, ĐT854.

Nạo vét, mở rộng đáy luồng theo chuẩn tắc luồng tàu qui định cho 5 luồng tuyến chính của vùng ĐBSCL đi qua địa bàn tỉnh, trong đó tuyến sông Tiền, sông Hậu đảm bảo cho tàu trọng tải đến 5.000 DWT lưu thông, các tuyến còn lại cho tàu, sà lan 200 - 600 DWT lưu thông.

Những năm qua, đô thị trên địa bàn tỉnh có bước phát triển sinh động, góp phần làm thay đổi nhanh diện mạo của nhiều khu vực trung tâm, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Định hướng đến năm 2020, tỉnh có 1 đô thị loại II (TPCL), 1 đô thị loại III và có khả năng lên đô thị loại II (SaĐéc), 4 đô thị loại IV (TX.Hồng Ngự, TT.Lấp Vò, TT.Mỹ An, TT.Mỹ Thọ, trong đó TX.Hồng Ngự có nhiều khả năng tiếp cận đô thị loại III) và một số đô thị loại V. Trong đó, TPCL là đô thị tỉnh lỵ, SaĐéc là đô thị chuyên ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng, TX.Hồng Ngự là đô thị biên giới. Tỷ lệ đô thị hóa 32,8% vào năm 2015 và đạt khoảng 38% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng tạo thuận lợi khai thác, phát huy hiệu quả cao tiềm năng, lợi thế của các khu vực như:

Phát triển vùng Đồng Tháp Mười, tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo hậu cứ, nền tảng ổn định cơ bản cho nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hiệu quả ngày nâng cao.

Phát triển khu vực ven sông Tiền, sông Hậu, khu vực ven sông SaĐéc - kênh xáng Lấp Vò (thuộc trục hành lang kinh tế đô thị đông - tây của vùng ĐBSCL), tạo nền tảng cho tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, đi đôi với tạo việc làm, thu hút nguồn lao động phi nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.

Phát triển kinh tế ngoại biên theo hướng tạo mọi thuận lợi để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới đất liền; đón đầu, nắm bắt kịp thời các cơ hội đầu tư của Trung ương cho phát triển trên địa bàn (thuộc trục hành lang kinh tế đô thị biên giới của vùng ĐBSCL).

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn