Doanh nghiệp Đồng Tháp đẩy mạnh khai thác kênh thương mại điện tử

Cập nhật ngày: 20/07/2021 14:52:47

ĐTO - Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa nội địa lẫn xuất khẩu. Thay vì “ngồi chờ phép màu” một số DN vừa và nhỏ của tỉnh mạnh dạn bắt tay khai thác thương mại điện tử (TMĐT). Chiến lược mới này mang lại cho DN những tín hiệu tích cực…


Nhãn Châu Thành được bán trên website của Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp

Nông sản, đặc sản Đồng Tháp “đổ bộ” lên các sàn thương mại điện tử

Là tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sở hữu nhiều loại đặc sản như xoài, nhãn, sen và các sản phẩm chế biến từ nguồn tài nguyên bản địa. Hiện nay, dù không đến thăm Đồng Tháp nhưng người tiêu dùng cả nước vẫn có thể ngồi tại nhà và đặt hàng trực tuyến các món ngon đặc sản từ quê hương Đồng Tháp thông qua trang website như https://www.htxdacsandongthap.com. Đây được xem là hướng đi đột phá của Hợp tác xã (HTX) Đặc sản Đồng Tháp trong việc đưa hàng đặc sản và nông sản của tỉnh nhà tiếp cận người tiêu dùng ở mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể mua hàng nông sản, đặc sản Đồng Tháp dễ dàng thông qua các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Voso và Postmar...

Bà Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc HTX Đặc sản Đồng Tháp tâm sự: “Làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ tư có nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh và cả nước. Thay vì ngồi chờ đợi cơ hội đến, chúng tôi muốn thử sức ở lĩnh vực mới và tự tạo ra cơ hội cho mình bằng cách đẩy mạnh khai thác kênh TMĐT”.

Hiện nay, website https://www.htxdacsandongthap.com là trang web đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp quy tụ hầu hết các mặt hàng nông sản và đặc sản của Đồng Tháp và được kinh doanh bằng hình thức trực tuyến với hơn 220 sản phẩm. Đó là các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản địa phương của 50 đơn vị là các DN vừa và nhỏ, các HTX, cơ sở sản xuất đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, HTX Đặc sản Đồng Tháp còn bán hàng trên các nền tảng khác như Facebook, Zalo; các sàn TMĐT nhằm mang lại sự tiện lợi và trải nghiệm thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.

Anh Ngô Chí Công - thành viên HTX đặc sản Đồng Tháp cho rằng: “Khai thác đa kênh là xu hướng tất yếu hiện nay của DN. Hiện tại, ngoài cung cấp các mặt hàng đặc sản của Đồng Tháp cho người tiêu dùng toàn quốc, chúng tôi còn tổ chức các tuần hàng đặc sản thường xuyên trên các nền tảng trực tuyến này. Thông qua đó, HTX mong muốn người tiêu dùng có thể thưởng thức được những loại nông sản tươi ngon của quê hương Đồng Tháp”.

Nắm bắt cơ hội trong nguy khó

Chia sẻ tại hội nghị “Công bố các chương trình ứng dụng TMĐT giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp” bằng hình thức trực tuyến do Sở Công Thương vừa tổ chức, ông Huỳnh Lâm Hồ - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Haravan, TP HCM cho rằng: “Theo số liệu đánh giá từ Google, tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT trên toàn thế giới đến năm 2025 sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020. Hiện nay, lực lượng tham gia tiêu dùng đang ngày càng trẻ hóa, họ dành rất nhiều thời gian để online trên các mạng xã hội và lướt web hằng ngày. Do đó, để có thể chiếm lĩnh được thị trường này, DN cần phải đầu tư xây dựng hình ảnh thương hiệu của DN trên các nền tảng số”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường TMĐT được nhiều người tiếp cận hơn. Mặt khác, khai thác kênh TMĐT còn giúp DN chinh phục thị trường nội địa và tiếp cận với người tiêu dùng toàn cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc giao nhận và vận chuyển hàng hóa được vận hành khá thông suốt từ các thành phố lớn cho đến vùng nông thôn. Các DN logistic ngày càng mở rộng quy mô hoạt động và các dịch vụ cung cấp đến người dùng ngày đa dạng và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN và người dân của Đồng Tháp tham gia nhiều hơn vào kênh TMĐT. Hiện nay, ngoài cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) còn cung cấp nhiều dịch vụ tiện dụng và chương trình hỗ trợ DN và nông dân Đồng Tháp ứng dụng TMĐT.

Ông Phạm Văn Lực - Giám đốc Viettel Post Đồng Tháp thông tin, đơn vị đang thực hiện hỗ trợ DN và nông dân đưa sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT Voso.vn. Thông qua sàn TMĐT này, các sản vật Đồng Tháp sẽ đến tận tay người tiêu dùng trực tiếp mà không phụ thuộc kênh thương lái. Đặc biệt, đối với những sản phẩm nông sản đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay sản phẩm OCOP, Viettel Post còn có những chương trình hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quảng bá, livestream bán nông sản tại nơi sản xuất...

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, gây ra nhiều khó khăn cho các DN trong việc sản xuất kinh doanh. Trước bối cảnh đó, ngành công thương quan tâm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm tỉnh qua kênh TMĐT, tạo đầu ra cho các DN vừa và nhỏ, HTX, cơ sở sản xuất. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ cùng với CP Công nghệ Haravan xây dựng chương trình và nội dung đào tạo thiết thực giúp DN thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT; triển khai các giải pháp công nghệ bán hàng đa kênh... giúp DN tỉnh nhà mở rộng kênh tiêu thụ trên nền tảng TMĐT.

Dịch Covid -19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tích cực hơn thì khó khăn hiện nay có thể xem là động lực để DN và cả người nông dân tỉnh nhà có thể đột phá. TMĐT thực sự là một thị trường tiềm năng, nếu chần chừ không nắm bắt cơ hội sẽ rất khó để tạo sự phát triển bứt phá trong tương lai.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn