Đồng Tháp đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 02/02/2022 05:50:49

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220202061653dn2022-02.mp3

 

ĐTO - Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế tỉnh, tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Trong bối cảnh đó, với sự tiếp sức của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng với tình hình mới...


Lãnh đạo tỉnh đến thăm doanh nghiệp Vĩnh Hoàn

LINH HOẠT THÍCH ỨNG VỚI TÌNH HÌNH MỚI

Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên thế giới và trong nước, nhất là trong năm qua, dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề. Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ với kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có Đồng Tháp. Dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh bị tác động nghiêm trọng, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ngừng trệ do các khó khăn về lao động, vận chuyển, logistic...

Trước bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Ngoài việc tổ chức các hội nghị trực tuyến, kịp thời nắm bắt tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền tỉnh đi đến từng doanh nghiệp để lắng nghe, chia sẻ khó khăn, ghi nhận những kiến nghị cũng như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp áp dụng “4 tại chỗ” theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Với sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu của chính quyền địa phương, sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, linh hoạt thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 90% doanh nghiệp (lĩnh vực công nghiệp) hoạt động trở lại; có 430 doanh nghiệp thành lập mới (cả năm). Điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp đã dần thích nghi với tình hình mới, tái cấu trúc sản xuất doanh nghiệp, chuyển đổi số và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp bước vào năm 2022 với nhiều đổi mới, nhiều kỳ vọng và thay đổi phù hợp.


Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp thảo luận giải pháp thích ứng và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh do UBND tỉnh tổ chức

Ông Lê Minh Phương - Giám đốc Công ty may Phong Vũ (huyện Tam Nông) chia sẻ, khi dịch bùng phát tại Đồng Tháp, năng lực sản xuất của công ty trong 3 tháng (7,8,9/2021) giảm đáng kể, việc áp dụng “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” khiến doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp đã phục hồi và tăng công suất lên trên 70%. “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực rất nhiều để thích ứng với tình hình mới, tuy nhiên với bài học kinh nghiệm từ năm qua, cùng với chủ trương đồng hành không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của các cấp, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp kỳ vọng trong năm tới sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hơn 30% so với năm 2021”, ông Phương chia sẻ.

KIÊN ĐỊNH VỚI CHỦ TRƯƠNG ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Năm 2022 là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Mặc dù khả năng dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp, khó lường. Song các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt được kỳ vọng nếu có sự hỗ trợ tích cực các giải pháp phục hồi từ địa phương; sự chủ động liên kết sản xuất từ cộng đồng doanh nghiệp và chủ động sản xuất an toàn từ phía doanh nghiệp.


Năm 2021, ước thủy sản đông lạnh đạt 725 triệu USD (sản lượng tăng 4,43%, kim ngạch tăng 0,63% so với cùng kỳ)

GS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, một điểm mạnh của Đồng Tháp đó là chính quyền và doanh nghiệp đều có sự thống nhất trong tư duy cũng như cách nghĩ, cách làm. Đây chính là tiền đề rất quan trọng để tỉnh và doanh nghiệp cùng đồng lòng thực hiện những quyết sách trong tình hình mới. “Thích nghi an toàn là câu chuyện được thực hiện trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên bài học kinh nghiệm về việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua đó là ngoài các giải pháp hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp chú trọng hơn vấn đề y tế trong doanh nghiệp, liên kết trong sản xuất để cùng hỗ trợ nhau trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp” - GS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết.

Xác định doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là chắt chiu từng cơ hội, chia sẻ, lắng nghe hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất. Đồng Tháp luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp từng bước thích ứng và khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới. “Trong nguy có cơ và tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cùng cố gắng, chia sẻ và có những giải pháp vực dậy sản xuất phù hợp. Tỉnh luôn lắng nghe ý kiến và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất một cách thuận lợi nhất” - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

1 năm chống chọi với dịch Covid-19 đã qua, dù rằng diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn đầu năm tới, song với những kết quả đã đạt được, cùng quyết tâm chung sức, chung lòng của chính quyền địa phương, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ cùng với tỉnh nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ chống dịch Covid-19 và vực dậy kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Dù trải qua 1 năm đại dịch Covid-19 đầy thử thách khắc nghiệt, nhưng kinh tế tỉnh vẫn tăng trưởng ở mức ổn định 2,2%. Quy mô kinh tế tiếp tục gia tăng, ước đạt 90.384 tỷ đồng, tăng 3.847 tỷ đồng so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,45 triệu đồng. Đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn như hiện nay và là động lực để tỉnh tiếp tục phấn đấu, đề ra các kịch bản, giải pháp để nền kinh tế sẵn sàng đón cơ hội tăng tốc phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế trong thời gian tới.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn