Đồng Tháp phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 27/04/2022 10:37:27

ĐTO - Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022” sẽ diễn ra từ ngày 28/4 - 3/5. Diễn đàn nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh. Đây cũng là nơi hội tụ, gặp gỡ, giao lưu văn hóa và du lịch nông thôn giữa các vùng miền, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch vùng ĐBSCL.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Trước thềm sự kiện này, phóng viên Báo Đồng Tháp có phỏng vấn ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về những thành tựu, định hướng phát triển Chương trình OCOP của tỉnh nhà trong thời gian tới...

PV: Đồng Tháp là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình OCOP khu vực ĐBSCL, ông vui lòng cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh thời gian qua là gì?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Với quan điểm Chương trình OCOP tạo ra chuỗi giá trị gia tăng mới từ chuỗi ngành hàng, tài nguyên bản địa, đặc biệt là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, Đồng Tháp có 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Trong đó có 61 sản phẩm đạt 4 sao và 204 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, năm 2020 có 3 sản phẩm du lịch nông thôn đạt sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên và 4 sản phẩm OCOP đạt trên 90 điểm mang đậm bản sắc địa phương đã được UBND tỉnh chọn đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xem xét đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.

Hướng đến sự phát triển bền vững, nhiều chủ thể OCOP còn áp dụng hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP Đồng Tháp có mặt rộng rãi trên các kênh thương mại điện tử Voso, Postmart, Shopee, Lazada,...

Một điểm nổi bật khác đó là sự ra đời của Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp - mô hình hợp tác xã mới với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản của tỉnh. “Mái nhà chung” này quy tụ hơn 60 doanh nghiệp và hơn 400 sản phẩm cung ứng thị trường gồm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống.

Để hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của Chương trình OCOP, thời gian qua, các sở, ngành địa phương thường xuyên, tích cực phổ biến các cơ chế, chính sách giúp các chủ thể đổi mới trang thiết bị sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất, xử lý vấn đề ô nhiễm ô trường, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, xây dựng quảng bá sản phẩm (thay đổi mẫu mã bao bì, xây dựng “câu chuyện sản phẩm”, tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xây dựng website giới thiệu đơn vị, giới thiệu sản phẩm, tham dự các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP...).

Nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm tỉnh nhà vươn xa, Đồng Tháp còn xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp ở Hà Nội, Phú Quốc, hỗ trợ xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch của tỉnh. Không dừng lại đó, tỉnh còn chọn các sản phẩm OCOP làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, giao lưu với các đoàn khách quốc tế, trong nước đến làm việc ở Đồng Tháp. Điều này vừa có ý nghĩa nâng cao hình ảnh của tỉnh vừa là động lực, niềm tự hào của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh nhà.

PV: Để đánh thức tiềm năng bản địa quê hương Đất Sen hồng, đưa sản phẩm OCOP phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Đồng Tháp có những chương trình, nội dung trọng tâm cụ thể nào? Thưa ông!

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đang xây dựng chính sách đặc thù của địa phương và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Trên tinh thần đưa sản phẩm OCOP tỉnh nhà tiếp tục phát triển, Đồng Tháp đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm làng nghề, đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; tiếp tục hỗ trợ các khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động, đạt chuẩn OCOP đối với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu; phát triển các trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho tất cả các sản phẩm OCOP tỉnh đều được tham gia vào các sàn giao dịch điện tử uy tín và các siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước; nâng cao chất lượng hoạt động Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp. Đồng thời tăng cường các quầy bán hàng quà tặng, quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP... tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh...

PV: Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL năm 2022 mang tầm cỡ khu vực với chủ đề “Liên kết cùng phát triển”, Đồng Tháp kỳ vọng như thế nào về diễn đàn này? Đặc biệt là liên kết trong phát triển sản phẩm OCOP tỉnh nhà với các tỉnh khu vực ĐBSCL, thưa ông?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đồng Tháp đã có kinh nghiệm qua 2 lần tổ chức hội chợ, giới thiệu về sản phẩm OCOP. Qua các lần tổ chức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đánh giá cao. Với những kết quả đó, năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thống nhất cùng Đồng Tháp nâng qui mô tổ chức thành Diễn đàn sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL. Đây là niềm tự hào của Đồng Tháp, vì vậy, tỉnh đã triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức rất chu đáo.

Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL năm 2022 với chủ đề “Liên kết cùng phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 28/4 - 3/5/2022 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Đồng Tháp. Đây là chuỗi sự kiện nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL với các địa phương trên cả nước; làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL, với kỳ vọng vươn xa hơn trong thời gian tới.

Quy mô diễn đàn dự kiến có trên 350 gian hàng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh; các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc các tỉnh, thành phố tham gia. Trong khuôn khổ Diễn đàn còn tổ chức “Không gian triển lãm sản phẩm OCOP các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước”, đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm OCOP, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố với các đơn vị trong và ngoài nước.

Thông qua việc tổ chức Diễn đàn góp phần xây dựng mô hình quảng bá, xúc tiến thương mại vùng miền, tăng cường kết nối tiêu thụ - mở rộng thị trường, đồng thời làm cơ sở để thúc đẩy các hoạt động, sự kiện OCOP thường niên cấp vùng, cấp Quốc gia.

Bên cạnh đó, Diễn đàn còn giúp nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người tiêu dùng hướng đến mục tiêu sản xuất - tiêu dùng xanh; tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường. Các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ là cơ hội để đánh giá ưu điểm, hạn chế trong việc phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, các chuyên gia và chủ thể sản phẩm OCOP sẽ cùng trao đổi, tìm giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng mạnh mẽ hơn...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn