Dùng lửa chủ động để chống cháy rừng

Cập nhật ngày: 04/08/2014 05:15:04

Theo thống kê của Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, từ năm 2009 - 2012, số vụ cháy cao hơn so với các năm trước, nhưng với cường độ thấp hơn. Nguyên nhân là do việc tích tụ các sinh khối hữu cơ giữa hai lần cháy ít hơn và do quản lý mực nước cao trong toàn bộ VQG Tràm Chim. Mặc dù năm 2013 việc này đã được điều chỉnh, nhưng kết quả cho thấy hệ sinh thái ở đây rất nhạy cảm, nhất là đối với các đồng cỏ, lượng hữu cơ tích tụ gia tăng rất nhanh trong một thời gian ngắn.

Mới đây, tại hội thảo tham vấn, đề xuất chiến lược quản lý nước-lửa trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở VQG Tràm Chim giai đoạn năm 2015-2020, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá chiến lược quản lý nước-lửa hiện tại của VQG Tràm Chim và đề xuất chiến lược mới kết hợp với những vấn đề biến đổi khí hậu. Nhiều ý kiến cho rằng, trong kiểm soát cháy, nếu chỉ quản lý mực nước là chưa đủ hiệu quả để giảm sinh khối trên các đồng cỏ, mà cần áp dụng biện pháp đốt chủ động, chu kỳ đốt có thể 2-3 năm, tùy theo tốc độ tích tụ sinh khối từng khu.

Tiến sỹ Dương Văn Ni (Khoa Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, việc xảy ra cháy ở VQG Tràm Chim trong những năm qua không phải do mực nước thấp, mà do các chất hữu cơ tích lũy do giữ mực nước cao trong những năm trước đó cho nên dễ gây cháy. Vì vậy, cần phải chú ý thay đổi chế độ nước, giảm tích tụ sinh khối tác động tích cực đối với quản lý cháy, gia tăng việc giảm nước phèn để phát triển thảm thực vật.

Về việc biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, nhiệt độ ở VQG Tràm Chim tăng cao vào các tháng mùa khô, cho thấy khả năng thiếu nước và hạn hán trong tương lai. Nhất là, ảnh hưởng của lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở lưu vực, làm thay đổi chế độ lũ lụt, ảnh hưởng thủy triều trong Vườn.

Tiến sỹ Dương Văn Ni đề nghị cần áp dụng các nguyên tắc của phương pháp tiếp cận quản lý hệ sinh thái và cần theo dõi giám sát liên tục; đặc biệt quản lý mực nước như đã thực hiện trong những năm 2009-2013. Việc quản lý chiến lược nước-lửa mới là kiểm soát cháy bằng biện pháp đốt chủ động, chu kỳ đốt 2-3 năm, tùy theo tốc độ tích tụ sinh khối của từng khu, đồng thời, cắt thêm những đoạn đê mới sẽ cải thiện môi trường nước và đa dạng sinh học cho VQG Tràm Chim.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Cang, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nên quản lý nước theo đối tượng, đốt có chủ động là một biện pháp quản lý, hạn chế phát tán cây tràm, kiểm soát chế độ nước-lửa, “Cháy ở những vùng nhất định sẽ làm giảm nguy cơ lửa bùng phát trên diện rộng. Chỉ cần, đừng cháy hết cùng một lúc, hệ sinh thái của rừng ngập nuớc vẫn có thể tái tạo lại nhanh chóng” - Tiến sỹ Nguyễn Trung Cang phân tích.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn