Giải quyết vướng mắc để giải ngân nhanh vốn đầu tư công

Cập nhật ngày: 10/06/2021 13:31:28

ĐTO - Tính đến đầu tháng 6 này, tỉnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là 452,588 tỷ đồng/3.851,018 tỷ đồng, đạt 11,75% so với kế hoạch đã phân bổ. Đây là vấn đề được lãnh đạo UBND tỉnh, các chủ đầu tư, các địa phương... rất quan tâm và tập trung giải quyết khó khăn cho các công trình, đẩy nhanh giải ngân vốn.


Công trình mở rộng đường Phạm Hữu Lầu (TP.Cao Lãnh)

Các chủ đầu tư cấp tỉnh đã giải ngân 237,785 tỷ đồng/1.645,835 tỷ đồng, đạt 14,45% tương đối còn thấp. Trong đó, một số chủ đầu tư có vốn bố trí lớn nhưng đến nay giải ngân còn thấp như: Ban Quản lý Khu kinh tế giải ngân 179 triệu đồng/94,348 tỷ đồng, đạt 0,19%, chủ yếu do các dự án (DA) còn vướng mặt bằng và phụ thuộc đơn vị thi công san lấp mặt bằng; Sở Giao thông Vận tải giải ngân 19,809 tỷ đồng/314,353 tỷ đồng, đạt 6,3%, chủ yếu do DA đường từ Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa còn vướng mặt bằng và DA hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, đơn vị thi công triển khai còn chậm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân 65,852 tỷ đồng/277,064 tỷ đồng, đạt 23,77%, chủ yếu do DA sử dụng vốn ODA (DA VNSAT và DA WB 9) triển khai còn chậm. Các đơn vị cấp huyện triển khai còn chậm và giải ngân thấp như: TP.Hồng Ngự đạt 3,17%, TP.Sa Đéc đạt 3,36%, huyện Tân Hồng đạt 3,72%...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chậm phân khai chi tiết kế hoạch vốn cho các DA khởi công mới (nhất là các DA sử dụng vốn ngân sách Trung ương) là do các DA khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư (chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư...) theo Luật Đầu tư công năm 2019. Đồng thời tính đặc thù khi triển khai kế hoạch năm 2021 chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền thông qua và sẽ được phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với các DA khởi công mới, đang chuẩn bị thực hiện DA như thiết kế bản vẽ thi công và dự toán gửi sở chuyên ngành thẩm định, phương án đền bù giải phóng mặt bằng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, hồ sơ thực hiện khâu lựa chọn nhà thầu... thời gian hoàn thành mất khoảng 6 tháng, do một số chính sách pháp luật thay đổi, các chủ đầu tư cần có thời gian để cập nhật.

Riêng công tác giải phóng mặt bằng gồm: khảo sát đo đạc, xử lý bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, trình phê duyệt phương án giá đất, hội đồng thẩm định giá đất... mất khoảng 224 ngày và vốn bồi thường giải phóng mặt bằng không được bố trí trong vốn chuẩn bị đầu tư. Trong đó, một số DA trọng điểm, công trình quan trọng sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương còn vướng mặt bằng như: DA nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, TP.Cao Lãnh, đến nay giải ngân 4,976 tỷ đồng/120,443 tỷ đồng, đạt 4,13%; DA chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) - WB9, đến nay giải ngân 38,816 tỷ đồng/195,963 tỷ đồng, đạt 19,81%; DA phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp giải ngân 1,366 tỷ đồng/120,443 tỷ đồng, đạt 0,58%...

Các vấn đề liên quan đến cát san lấp như: thiếu nguồn cung cấp, giá trị thực tế cao hơn giá trị được duyệt...; đất đắp đê vướng kế hoạch sử dụng đất, phương án khai thác... và một số vật liệu xây dựng khác như thép, đá... có biến động theo hướng tăng cao hơn so với giá trị được duyệt làm ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu (nhà thầu ít tham gia) và công tác triển khai thi công của nhà thầu thi công.

Trách nhiệm cơ quan sử dụng vốn chưa được đề cao cũng như chất lượng chuẩn bị DA chưa đạt yêu cầu, phải liên tục điều chỉnh, dẫn đến công tác lập, đăng ký kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế. Công tác chuẩn bị đầu tư chưa được chủ đầu tư quan tâm, nên hằng năm bố trí vốn cho công tác này rất thấp nên hồ sơ DA khi trình thẩm định phải chỉnh sửa nhiều lần, mất thời gian; không đảm bảo về thời gian và thủ tục bố trí vốn hàng năm dẫn đến phải bố trí vốn nhiều đợt...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư và Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các DA ngay từ đầu năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại kế hoạch tổng thể từng DA để làm cơ sở đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là các DA lớn, công trình quan trọng sử dụng nhiều nguồn vốn, kịp thời điều chỉnh vốn kế hoạch năm 2021 linh hoạt, phù hợp tiến độ giữa các DA, giữa các chủ đầu tư. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân vốn đầu tư công vì đây là nguyên nhân chủ yếu chậm giải ngân vốn, phần lớn do nguyên nhân chủ quan khi một số ban, ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế... Đồng thời cần trao quyền và giao trách nhiệm cho các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đi kèm với cơ chế bám sát tiến độ từng DA, tổ chức giao ban định kỳ để phân loại DA, có giải pháp thích hợp với từng loại DA và từng giai đoạn cụ thể...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn