Hiệu quả từ mô canh tác nông nghiệp sinh thái ở huyện Tam Nông

Cập nhật ngày: 08/06/2023 15:25:57

ĐTO - Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông triển khai mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân địa phương.


Nông dân huyện Tam Nông tâm huyết với mô hình nông nghiệp sinh thái

Phương pháp sản xuất mới giúp tăng hiệu quả kinh tế

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái bắt đầu được triển khai vào vụ đông xuân năm 2022 - 2023, tại xã Phú Thành A với tổng diện tích khoảng 20ha, giống lúa được gieo trồng trong mô hình là giống lúa ST25. Trong mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, nông dân được hướng dẫn áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật tích hợp trên đồng ruộng như: áp dụng máy sạ cụm và bón vùi phân hữu cơ, sử dụng biện pháp tưới tiêu chủ động, quản lý nước theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, nuôi xen canh vịt vào ruộng lúa giúp hỗ trợ quản lý cỏ dại, loại trừ sinh vật gây hại và cung cấp một phần phân hữu cơ cho lúa, áp dụng thiết bị bay không người lái để phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc... Việc áp dụng một số phương pháp sản xuất mới giúp cho nông dân thực hiện mô hình tăng hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao hơn khoảng 16% so với canh tác lúa truyền thống.

Ông Mai Văn Bông ngụ ấp Long An A, xã Phú Thành A, cho biết: “Ban đầu, tham gia mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, tôi cảm thấy khá lo lắng khi 1 công chỉ sạ có mấy ký lúa giống, giảm khoảng 70% giống so với kỹ thuật gieo sạ truyền thống. Thời gian đầu, lúa lên lưa thưa tôi cũng lo lắm, nhưng khi lúa được 20 ngày tuổi thì bắt đầu phát triển tốt, nở xanh giáp ruộng nên tôi yên tâm hơn. Nhờ áp dụng sạ cụm, kết hợp với việc thả nuôi vịt trên ruộng lúa, nên cây rất ít bệnh, từ đó giảm được số lần phun xịt thuốc. Đây là điều tôi tâm đắc nhất khi tham gia mô hình này”.

Theo đánh giá từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, mặc dù chỉ mới triển khai thử nghiệm trong vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, nhưng mô hình nhận được sự quan tâm rất nhiều của nông dân địa phương. Từ những hiệu quả bước đầu về giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, tăng lợi nhuận... trong vụ lúa hè thu năm 2023, nhiều nông dân ở địa phương mạnh dạn tham gia vào mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái nhiều hơn. Hiện, mô hình đang được mở rộng với quy mô trên 40ha, với 13 hộ dân tham gia sản xuất.


Nông dân với mô hình nuôi xen canh vịt vào ruộng lúa (Ảnh: Mỹ Lý)

Giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường

Ông Nguyễn Văn Nhỏ ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, chia sẻ: “Tôi nhận thấy mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái rất phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay. Những năm gần đây, thị trường trong và ngoài nước đều quan tâm nhiều đến việc lựa chọn sản phẩm gạo an toàn, được sản xuất theo phương pháp thân thiện với môi trường... Do đó, ngay khi được ngành nông nghiệp vận động tham gia mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, tôi mạnh dạn tham gia với quy mô 7ha. Với điểm nhấn là giảm được chi phí đầu vào, giá bán cao, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng canh tác theo kiểu truyền thống khoảng 4,4 triệu đồng/ha”.

Không chỉ dừng lại đó, mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái còn thực hiện hiệu quả đầu ra cho sản phẩm. Thông qua việc tuân thủ các giải pháp về sản xuất sạch - an toàn, trong vụ đông xuân vừa qua, 100% sản lượng lúa của nông dân áp dụng mô hình được doanh nghiệp thu mua với mức giá cao hơn ngoài thị trường khoảng 1.000 đồng/kg.

Ông Lâm Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông chia sẻ, với những kết quả tích cực mà mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái đạt được, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mạnh mô hình sản xuất này. Hiện, UBND huyện cũng có chủ trương cho phép Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp xây dựng Đề án sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp với diện tích trên 100ha. Những phần việc trong đề án này sẽ được triển khai trên nền tảng của mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái tại xã Phú Thành A. Mục tiêu của mô hình còn hướng tới giúp nông dân áp dụng các giải pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hướng đến được cấp tín chỉ carbon. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp huyện Tam Nông quan tâm thực hiện. Hiện nay, tín chỉ carbon trong sản xuất nông nghiệp vừa là điều kiện cần để sản phẩm lúa gạo của Việt Nam xuất khẩu tại các thị trường khó tính, vừa là nhiệm vụ cấp bách khi Việt Nam chính thức cam kết đến năm 2050 giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn