Hoạt động thương mại nội địa và xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng

Cập nhật ngày: 26/07/2022 06:00:18

ĐTO - Sở Công Thương cho biết, những tháng đầu năm 2022, các hoạt động kinh doanh, mua bán trên địa bàn tỉnh từng bước mở cửa trở lại hoạt động bình thường; các hoạt động trong lĩnh vực du lịch dần được khôi phục (mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022), nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được phục hồi và tăng trưởng tốt.

Thêm vào đó, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh khá sôi động; các đơn vị sản xuất, kinh doanh mua bán đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa để đảm bảo đầy đủ số lượng, đa dạng chủng loại, phong phú, đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh trong các dịp lễ, Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 54.671 tỷ đồng, tăng 9,98% so với cùng kỳ năm 2021.


Hoạt động du lịch đã phục hồi mạnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát

Theo Sở Công Thương, dự báo tình hình trong nước 6 tháng cuối năm tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, bởi kinh tế thế giới tuy có hồi phục nhưng không đồng đều, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy chưa khôi phục hoàn toàn; tình hình lạm phát ở các nước hầu hết ở mức cao, giá xăng dầu, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tăng giá làm cho giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa ngày càng tăng cao. Dự kiến đến cuối năm, giá trị tăng thêm ngành thương mại đạt 8.004 tỷ đồng, tăng 8,75% so với năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 108.653 tỷ đồng, tăng 19,64% so với năm 2021.

Đối với thương mại xuất nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia, chi phí vận chuyển tăng cao, cùng với xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại quốc tế... nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt hai mặt hàng thủy sản và gạo có sự tăng trưởng ấn tượng. Các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều giữ vững được các thị trường truyền thống và có sự dịch chuyển nhẹ từ thị trường các nước châu Á sang các nước châu Âu; xuất khẩu nông sản cũng ghi nhận bước tiến mới khi lô xoài đầu tiên của tỉnh đã được xuất khẩu thành công sang EU.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động thương mại thế giới dần khôi phục và sôi động trở lại, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh có nhiều thuận lợi và đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 993,73 triệu USD, tăng 62,71% so với cùng kỳ năm 2021 (nếu không tính hàng tạm nhập tái xuất thì kim ngạch xuất khẩu đạt 834,04 triệu USD, tăng 57,8%).

Dự báo xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ được hưởng lợi từ các nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mặc dù với tốc độ chậm hơn. Do đó, hoạt động xuất khẩu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng không cao; dự kiến đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.694,68 triệu USD, tăng 32,5% so với năm 2021 (nếu không tính hàng tạm nhập tái xuất thì kim ngạch xuất khẩu đạt 1.474,68 triệu USD, tăng 33,93%).

Giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng liên tục từ đầu năm nên giá trị nhập khẩu tăng trưởng ở mức rất cao; kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 347,56 triệu USD, tăng 98,14% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, mặt hàng xăng dầu đạt 202,97 triệu USD, tăng 129,42% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm hơn 58,4% tổng kim ngạch nhập khẩu). Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục đi vào ổn định, việc nhập khẩu các nguyên, vật liệu cho sản xuất được đẩy mạnh, đến cuối năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 782,33 triệu USD, tăng 74,5% so với năm 2021.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn