Hội thảo chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững - Cánh đồng hạnh phúc

Cập nhật ngày: 13/04/2022 05:15:41

ĐTO - Hôm qua (12/4), tại Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long tổ chức hội thảo Cánh đồng hạnh phúc (lần 3 - năm 2022) với chủ đề “Chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, công ty, nhà khoa học và hơn 300 nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.


Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về mô hình hợp tác xã kiểu mới

Tại hội thảo, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long trình bày Đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia A An. Đề án là một bức tranh tổng thể về hiệu quả sản xuất - kinh doanh lúa gạo của Tập đoàn trong lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; hệ thống cơ sở hạ tầng các nhà máy xử lý lúa gạo sau thu hoạch và chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững.

Theo đó, trong mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, Tập đoàn Tân Long dự kiến triển khai, doanh nghiệp tham gia góp vốn và điều hành HTX, bao tiêu toàn bộ lúa canh tác sau thu hoạch. Tập đoàn sẽ tích cực hợp tác với ThS Hồ Quang Cua để phát triển và phục tráng giống; chọn giống lúa xác nhận trong canh tác. Ngoài ra, sẽ tiến hành đặt hàng nghiên cứu và phát triển các giống lúa cao cấp trong tương lai.

Về các quy định xây dựng vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng đối với các sản phẩm, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đưa ra quy định về mã số vùng trồng và áp dụng cho cả những sản phẩm lưu hành nội địa. Do vậy, nếu nông dân không chủ động sản xuất sản phẩm an toàn thì sắp tới đây, sản phẩm của mình sẽ khó bán được ngay cả thị trường nội địa.

Mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững - Cánh đồng hạnh phúc của Tập đoàn Tân Long là một chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững, đảm bảo các điều kiện sản xuất an toàn, giảm giá thành, lợi nhuận cho doanh nghiệp và nông dân. Đây là một cơ hội lớn cho nông dân Đồng Tháp nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo các quy định của thị trường đối với sản phẩm gạo trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phước Thiện cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành cùng nông dân trong việc điều phối mối quan hệ giữa doanh nghiệp - HTX - tổ hợp tác; phân tích rõ về bài toán kinh tế để bà con hiểu và sẵn lòng tham gia. Đối với doanh nghiệp, để mô hình thực hiện hiệu quả, Sở đề xuất doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, quy trình; yêu cầu kỹ thuật của thị trường cho từng nhóm HTX; những tiêu chuẩn, chế tài giám sát; cam kết hài hòa hợp đồng giữa hai bên. Riêng bà con nông dân cần tuân thủ các quy chuẩn của Tập đoàn đưa ra để mô hình được thực hiện bền vững.

Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả cũng tham gia trình bày, thảo luận về mục tiêu phát triển mô hình HTX kiểu mới, chuyển đổi số trong nông nghiệp và các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất lúa gạo an toàn, giải pháp kiểm soát dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn