Hợp tác đầu tư với nước ngoài - từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Cập nhật ngày: 13/02/2015 14:17:35

Lấy nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế, Đồng Tháp tiên phong trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhạy bén trong hội nhập, hợp tác với nước ngoài nhằm từng bước công nghiệp hóa nền nông nghiệp địa phương.

Đoàn Ibaraki (Nhật Bản) thăm doanh nghiệp Cỏ May

Dù được ưu đãi với vùng nguyên liệu nông sản khá lớn nhưng từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu theo hướng canh tác truyền thống dẫn đến năng suất thấp, phụ thuộc lớn vào thời tiết, chất lượng chưa thể cạnh tranh trên thị trường. Ông Lê Vĩnh - Tân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Hội nhập là một trong những định hướng giúp nông nghiệp Đồng Tháp chuyển mình. Hội nhập để thu hút được đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài với khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cùng đồng hành với địa phương trong sản xuất nông nghiệp.

Nhận định yếu tố khoa học kỹ thuật là hướng đi tất yếu cho nông sản thế mạnh của địa phương, trong năm qua, tỉnh đẩy mạnh hợp tác kêu gọi các nước: Hà Lan, Nhật Bản, Na Uy, Anh tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản chế biến, đào tạo nguồn nhân lực thực tập sinh nông nghiệp, trồng trọt, chế biến lương thực, tìm kiếm mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh. Trong lần gặp gỡ giữa tỉnh Đồng Tháp và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, ngài Kohei Watanabe, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản nhận định: “Với nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, chúng tôi suy nghĩ đến việc tiêu thụ, tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng cao. 3 lĩnh vực mà Nhật Bản có thể hỗ trợ Đồng Tháp là cải tạo giống, cơ giới hóa nâng cao năng suất và bảo quản lưu thông”.

Tỉnh cũng rất quan tâm việc hợp tác xử lý trái, đóng gói, bảo quản, chế biến xuất khẩu đối với nông sản đặc thù xoài Cao Lãnh để từng bước đưa nông sản tỉnh “cập bến” thị trường Nhật Bản.

Một trong những mặt hàng thế mạnh của tỉnh là hoa kiểng, nhằm góp phần phát huy tiềm năng của mình, Đồng Tháp chọn Hà Lan làm bạn đồng hành. Nhiều hộ dân trồng hoa cũng vô cùng phấn khởi trước thông tin này, họ hy vọng đây sẽ là cơ hội cho ngành hàng hoa kiểng “khoe sắc”.

Dự án xây dựng Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tại Đồng Tháp mà hai bên hợp tác sẽ định hướng áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp vào sản xuất tại Đồng Tháp. Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực cũng là một trong những điểm nhấn của sự hợp tác. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã gửi 5 cán bộ công chức và viên chức tham gia khóa đào tạo 3 tuần về công nghệ cao trên hoa kiểng tại Trung tâm Demokwekerij Westland ở Hà Lan. Sau khi trở về địa phương, lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm chuyển giao công nghệ cho bộ phận cán bộ kỹ thuật của ngành hoạt động ở lĩnh vực hoa kiểng và bà con nông dân trong thời gian tới. Tiếp đó, Ngành nông nghiệp cùng với phía Hà Lan tư vấn xây dựng nhà màng và đào tạo nguồn nhân lực cho 20 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và nông dân tiêu biểu tại Đồng Tháp vận hành nhà màng, kỹ thuật trồng cây trong nhà màng, lai tạo giống và nhân nhanh, gia tăng chất lượng cây trồng, bảo quản sau thu hoạch, định hướng thị trường tiêu thụ.

Không dừng lại đó, Đồng Tháp còn tiến đến hợp tác với Hà Lan trong việc xây dựng thành phố hoa Sa Đéc (theo mô hình vườn hoa Keukenhof). Trên tinh thần hợp tác, TP.Sa Đéc đang triển khai 6 công trình với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng để phát triển thành phố hoa trên hiện trạng Công viên Sa Đéc cũ với diện tích gần 23ha, gồm các hạng mục công trình: hồ nước hình hoa mai, siêu thị hình hoa sen, ao sen, shop hoa, nhà đón khách, quảng trường hoa, quán cà phê, bến tàu... Khi công trình hoàn thành, đưa vào phục vụ, Công viên hoa Sa Đéc sẽ là công viên hoa đầu tiên lớn nhất của Việt Nam.

Dù việc hợp tác đầu tư với nước ngoài chỉ là bước sơ khởi nhưng đang mở ra nhiều viễn cảnh mới mẻ cho nền nông nghiệp của tỉnh...

K.D

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn