Hợp tác xã đầu tiên chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012

Cập nhật ngày: 07/11/2014 13:40:30

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) thành lập năm 2000. Ngày 29/10/2014, HTX đã tổ chức đại hội bất thường chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và thành lập Xí nghiệp chế biến lúa gạo trực thuộc HTX. Đây được xem là tiền đề quan trọng đưa HTX phát triển theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện đại và tinh thần Đề án tái cơ cầu ngành nông nghiệp của tỉnh.


Trụ sở Hợp tác xã Tân Cường

 

Theo ông Nguyễn Văn Trãi - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX, thực hiện Luật HTX mới thì vị thế của HTX được nâng lên tầm cao hơn, vai trò của HTX được khẳng định rõ ràng, từ cơ cấu bộ máy được phân định, đến việc HTX được tự chủ trong hoạt động, trách nhiệm của từng thành viên cũng được thể hiện rõ, Luật mới cũng thể hiện rất chi tiết các mô hình hoạt động HTX,... vì vậy chúng tôi rất yên tâm và cảm thấy phấn khởi. Hiện diện tích của HTX sau chuyển đổi được mở rộng từ 1.200ha lên 2.000ha, với 385 hộ nông dân. Vốn điều lệ 42,650 tỷ đồng, tăng thêm 42 tỷ đồng so với trước chuyển đổi. Số dịch vụ ngành nghề cũng tăng từ 6 lên 12 dịch vụ, bao gồm dịch vụ nước sạch nông thôn, tín dụng nội bộ và tất cả các khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chăm sóc thu hoạch, đến tiêu thụ, tạm trữ lúa và xay xát chế biến gạo.

Đáng chú ý là điều lệ HTX quy định mỗi thành viên góp vốn không quá 5% tổng vốn điều lệ (thấp hơn 4 lần so với Luật HTX 2012). Ông Trãi cho biết thêm, theo Luật HTX 2012 quy định, vốn góp cổ phần tối đa là 20% nhưng qua nghiên cứu, tham khảo ý kiến bà con nông dân, nếu để vốn góp quá cao thì nhiều bà con trong vùng sẽ không có cổ phần tham gia nên HĐQT xác định giảm số cổ phần tối đa không quá 5% vốn điều lệ cho mỗi hộ và không bị ràng buộc theo địa bàn cư trú. Theo đó, dù có đất hay không có đất sản xuất trong diện quản lý của HTX đối với những cá nhân có nhu cầu hợp tác và sử dụng dịch vụ của HTX đều có quyền góp vốn để trở thành thành viên của HTX. Việc mở rộng thành phần tham gia HTX cũng là cách mở rộng thị trường bởi hiện nay sản phẩm của HTX chỉ cung cấp cho các thành viên, nếu có nhiều thành phần tham gia thị trường của HTX sẽ lớn mạnh thêm.

Đặc biệt, mô hình chuyển đổi lần này là HTX Tân Cường còn thành lập Xí nghiệp chế biến lúa gạo trực thuộc HTX, hạch toán độc lập theo Luật HTX 2012. Xí nghiệp có vốn hoạt động gần 42 tỷ đồng, sẽ thực hiện bao tiêu, tạm trữ lúa và chế biến, tiêu thụ gạo cho toàn bộ sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm của HTX và các diện tích khác trên địa bàn xã Phú Cường. Ông Trãi tâm huyết, từ trước đến nay bà con nông dân chỉ sản xuất ra lúa, bán lúa tươi, khâu chế biến lúa gạo thì do một thành phần khác đảm trách, từ đó không biết được chất lượng sản phẩm của mình như thế nào. Do đó, HTX thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo nhằm giúp bà con có nhiều hình thức để tiếp cận với thị trường. Thứ nhất bà con có thể ký gửi hoặc bán lúa tươi (khô) cho HTX, qua đó thu nhập của bà con sẽ tăng dần trong chế biến. Thứ 2 là qua việc tổ chức lại sản xuất, HTX sẽ đăng ký được thương hiệu hàng hóa để người tiêu dùng biết đến những sản phẩm của HTX Tân Cường.

Có thể nói rằng trong bối cảnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX còn không ít khó khăn, thì thành công hơn 10 năm qua của HTX Tân Cường được xem là một cách làm mới, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại. Đó là những nỗ lực của HTX trong việc tìm kiếm phát triển thị trường, phát triển nhiều ngành nghề, dịch vụ nâng cao hiệu quả hoạt động để đủ sức cạnh tranh với các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời tạo niềm tin ngày càng vững chắc cho xã viên của HTX.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn