Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm

Hướng đến nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm mới

Cập nhật ngày: 10/06/2015 13:20:01

Theo ông Nhị Văn khải – Giám đốc Sở Công Thương, sản xuất công nghiệp của tỉnh thời gian qua tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, đặc biệt là các phụ phẩm được nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác triệt để góp phần nâng cao giá trị tăng thêm cho sản phẩm.


Sản phẩm hủ tiếu Bích Chi

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực, toàn tỉnh có trên 150 DN lau bóng gạo và 140 DN xay xát. Qua thống kê của tỉnh, năm 2014, sản lượng sản xuất gạo đạt 2,4 triệu tấn sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 94 triệu USD, tăng gần 14,5% so với năm 2013. Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản lượng thủy sản chế biến tăng về số lượng và kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng tăng 18,4% và kim ngạch tăng 12,79% so với năm 2013. Riêng bánh phồng tôm năm 2014 đạt 12.000 tấn, trong đó xuất khẩu đạt gần 8.500 tấn với kim ngạch đạt 11 triệu USD. Các sản phẩm sau gạo xuất khẩu số lượng tăng 11,24% và kim ngạch tăng 30,52% so với năm 2013.

Dù hoạt động chế biến phụ phẩm từ thủy sản, lúa gạo mới phát triển trong những năm gần đây nhưng đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế trong chuỗi sản xuất, chế biến thủy sản. Song, sản phẩm phần lớn tiêu thụ nội địa, xuất khẩu còn thấp. Năm 2014, sản lượng sản xuất bột cá và mỡ cá đạt trên 60.000 tấn, tăng trên 55% so với năm 2013. Trong đó xuất khẩu là 21.500 tấn; số lượng dùng sản xuất dầu cá là 3.688 tấn. Riêng sản phẩm collagen mới đưa vào sản xuất được đánh giá mang nhiều tiềm năng. Trong lĩnh vực chế biến phụ phẩm từ lúa gạo, các DN, cơ sở chủ yếu sản xuất củi trấu và trấu viên.

Trong thời gian qua, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, các DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Ông Phan Thanh Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi chia sẻ: “Thị trường là một trong những yếu tố “sống còn” của DN. Thời gian qua, Công ty nỗ lực rất nhiều trong việc tìm kiếm thị trường ngoài nước thông qua các hội chợ, đồng thời nghiên cứu văn hóa ẩm thực của những thị trường đơn vị hướng tới để đưa ra sản phẩm phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Song song đó, tiếp tục đưa hàng Việt về nông thôn để khai thác thị trường tiềm năng này”.

Dù có sự tăng trưởng nhưng hoạt động ngành công nghiệp chế biến lương thực tiếp tục khó khăn. Nguyên nhân là do tác động ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới kéo dài. Thị trường gạo xuất khẩu không ổn định và biến động cộng với nguyên liệu chất lượng thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh và giá xuất khẩu thấp. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này có chiều hướng giảm. Cụ thể, 15 dự án đăng ký đầu tư thì có đến 11 dự án chưa triển khai.

Riêng đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, khó khăn nhất ở thị trường này là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu đã tác động ảnh hưởng đến một số DN trong ngành, chủ yếu là các DN chưa chủ động được vùng nguyên liệu. Việc thiết bị thiếu đồng bộ và chậm đổi mới, chưa đảm bảo chất lượng, mẫu mã, giá cả thiếu cạnh tranh cũng là tác nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của đơn vị. Theo Sở Công Thương, với những thực trạng trên, tỉnh đã định hướng, đưa ra những giải pháp tháo gỡ, trong đó tạo điều kiện cho các DN sản xuất công nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Đồng thời hướng đến việc đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường và xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm mới.

Để lĩnh vực công nghiệp chế biến lương thực nâng cao chất lượng giá trị và phát triển, tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa để nâng cao chất lượng, ổn định nguồn nguyên liệu. Tiếp đến là tạo thuận lợi cho DN xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu; hỗ trợ đầu tư phát triển đa dạng hóa các sản phẩm sau gạo... Theo đó, sản xuất sản phẩm chế biến thủy sản sẽ thực hiện theo chuỗi liên kết đảm bảo theo đúng quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng cho phép của các nước nhập khẩu. Ngoài cá tra filet, khuyến khích DN phát triển thêm các sản phẩm từ cá điêu hồng, cá rô phi đông lạnh. Song song đó, khai thác phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra: bột cá, mỡ cá, dầu cá tinh luyện, collagen...

Riêng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, tỉnh định hướng tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh thị trường. Đồng thời, liên kết tiêu thụ các nguồn nguyên liệu sản phẩm từ các chương trình dự án triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp góp phần hạ giá thành, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 

 Với những giải pháp trên, tỉnh đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 sản lượng thủy sản đông lạnh đạt 270.000 tấn; thức ăn thủy sản đạt 1,8 triệu tấn; gạo xay xát, lau bóng đạt 2,6 triệu tấn; bánh phồng tôm 18.000 tấn. Riêng dầu ăn từ mỡ cá 20.000 tấn; Collagen và Gelatine 2.000 tấn; bột cá, mỡ cá 105.000 tấn. Sản phẩm sau gạo (hủ tiếu, bánh phở) đạt 6.400 tấn...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn