Huyện Lấp Vò

Hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, bền vững

Cập nhật ngày: 22/04/2021 10:34:22

ĐTO - Thời gian qua, huyện Lấp Vò đã tập trung phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ thâm canh, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, bền vững.


Huyện Lấp Vò là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa, gạo phát triển mạnh

Theo UBND huyện Lấp Vò, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), huyện đã xây dựng kế hoạch và tập trung trong lãnh đạo, triển khai thực hiện TCCNN với 6 ngành hàng gồm cây lúa, hoa màu, hoa kiểng, cây ăn trái, bò thịt, cá tra - tôm càng xanh.

Thời gian qua, từ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện Lấp Vò đã tập trung thực hiện TCCNN theo hướng tập trung, hàng hóa. Với hướng đi đúng đắn, phát huy tốt tiềm năng sẵn có, địa phương đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất tập trung; tạo được các mối liên kết sản xuất giữa hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác với doanh nghiệp (DN)...

Là một trong những ngành hàng trọng tâm, thời gian qua, huyện cũng tập trung phát triển ngành hàng lúa bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật kết hợp với việc nâng cao giá trị sản phẩm. Qua từng năm, cơ cấu giống có sự chuyển biến tích cực, lúa chất lượng cao được nông dân quan tâm hơn trong sản xuất. Trong đó, diện tích liên kết tiêu thụ lúa năm 2020 là 3.500ha.

Đối với cây màu, toàn huyện luôn duy trì diện tích gieo trồng từ 4.500-4.600ha, hình thành vùng sản xuất màu tập trung ở các xã ven sông Tiền với các cây trồng chủ lực là khoai môn, bắp, ớt... Huyện cũng xây dựng vùng sản xuất màu trọng điểm xã Mỹ An Hưng A với khoai môn là mặt hàng chủ lực. Ngoài các vùng sản xuất chuyên canh thì diện tích sản xuất màu luân canh với lúa cũng được áp dụng và mang lại hiệu quả khả quan, tiêu biểu là mô hình 2 lúa - 1 mè, 2 lúa - 1 dưa hấu, 2 lúa - 1 bắp.

Với ngành hàng cây ăn trái, đến cuối năm 2020 diện tích là 3.222ha. Trong đó, địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung ở các xã: Tân Khánh Trung, Tân Mỹ, Định An, Định Yên... với các cây ăn trái chủ lực như xoài, nhãn, cam, quýt, mít. Đến nay, toàn huyện có 54ha cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, có 6 vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số...

Huyện Lấp Vò cũng chú trọng triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với sự hưởng ứng của người dân. Từ đó, một số sản phẩm đặc thù của địa phương đã được các chủ thể đầu tư sơ chế, chế biến, đầu tư về bao bì, truy xuất nguồn gốc. Tính đến cuối năm 2020, huyện có 16 sản phẩm được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao.

Xác định phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, đến nay huyện Lấp Vò đã đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hơn thế, vai trò chủ thể của người dân ngày càng phát huy, thể hiện rõ ở sự đồng thuận, tích cực hiến đất, ngày công lao động... để xây dựng NTM. Đến nay, huyện có 8/12 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM và chuẩn bị công bố 4 xã đạt chuẩn NTM gồm: Mỹ An Hưng A, Bình Thạnh Trung, Hội An Đông và Long Hưng A. Phấn đấu hoàn thành và đề nghị công nhận huyện NTM vào năm 2021.


Thời gian qua, trên địa bàn huyện Lấp Vò xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị nông sản

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, điều hành sản xuất để hướng đến tổ chức cho nông dân sản xuất rải vụ, sản xuất theo nhu cầu của DN; hỗ trợ thực hiện các mô hình trình diễn về áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Cùng với đó, tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, vùng sản xuất tập trung của huyện nhằm đảm bảo kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất, vận chuyển nông sản hàng hóa, tạo thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ với DN.

Để đáp ứng yêu cầu đưa nông sản vào các kênh tiêu thụ khó tính, xuất khẩu, huyện Lấp Vò luôn chú trọng hỗ trợ nông dân, HTX, tổ hợp tác các tiêu chuẩn an toàn hiện hành, hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, điều hành thực hiện tốt trong sản xuất và liên kết tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, tiếp tục làm cầu nối để DN và các HTX, tổ hợp tác trao đổi thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản nền vững. Đặc biệt, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp...

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn