Huyện Cao Lãnh tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Cập nhật ngày: 29/08/2022 11:43:57

ĐTO - Theo UBND huyện Cao Lãnh, 6 tháng đầu năm, lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), trên địa bàn huyện hoạt động ổn định. Đến nay, toàn huyện có 24 HTX, với 4.473 thành viên, số lượng HTX không biến động so với năm 2021. Theo đó, các HTX đều chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có nhiều chuyển biến tích cực, các HTX mạnh dạn liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ.

Một số HTX hoạt động khá, lợi ích mang lại cho thành viên tương đối cao và ổn định. Lợi nhuận bình quân từ 150 triệu đồng - 195 triệu đồng/năm/HTX, thu nhập bình quân của lao động HTX, THT từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.

So với năm 2021, số lượng tổ hợp tác (THT) nông nghiệp trên địa bàn huyện không biến động với 168 THT, tổng số 3.485 tổ viên. Các THT trên địa bàn hoạt động cơ bản đạt yêu cầu, mang lại thu nhập cho các thành viên. Tuy nhiên, một số THT hoạt động chưa đúng quy định và ngưng hoạt động.

Hiện tổng số cán bộ quản lý HTX là 87 người. Trong đó, trình độ cao đẳng, đại học 28 người; trình độ THPT trở lên là 32 người và đã qua lớp đào tạo ngắn hạn về điều hành hoạt động HTX là 27 người. Số cán bộ chuyên môn phụ trách sản xuất, kinh doanh của HTX là 41 người và THT là 168 người đều qua đào tạo ngắn và dài hạn về quản lý HTX, THT. 

Bên cạnh những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn một số khó khăn. Việc củng cố, kiện toàn nhân sự, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX còn chậm; một số HTX hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thu hút được nhiều người dân tham gia để phát triển thành viên. Ngoài ra, các HTX chưa có nhiều dịch vụ hoạt động hiệu quả để phục vụ thành viên và người dân; trình độ quản lý, điều hành của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc một số HTX còn hạn chế, chỉ dựa vào kinh nghiệm. Một số HTX xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh chưa phù hợp, chưa khả thi, chậm bổ sung, sửa đổi.

Định hướng trong 6 tháng cuối năm 2022, huyện Cao Lãnh tiếp tục hỗ trợ tư vấn các HTX củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực điều hành của Ban Giám đốc và hiệu quả hoạt động các HTX hiện có, nhất là HTX Xoài Mỹ Xương và HTX Sản xuất và Tiêu thụ Chanh Cao Lãnh. Phấn đấu có 58% HTX thực hiện từ 3 - 5 dịch vụ hoạt động đạt hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên và người dân; hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện tìm kiếm, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, THT tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế hợp tác. Hướng dẫn HTX tổ chức lại sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nội địa; tư vấn, hướng dẫn HTX thay đổi phương thức bán hàng.

Đồng thời tổ chức hội thảo, tập huấn, thông tin chuyên đề về sản xuất, liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kết hợp với doanh nghiệp, các kênh phân phối hiện đại liên kết cung ứng hàng hóa vào siêu thị, chuỗi cửa hàng để nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập, ổn định đầu vào, đầu ra cho các THT, HTX. Phổ biến kiến thức về nhãn hiệu hàng hóa, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho HTX, THT và hội quán...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn