KỶ NIỆM 17 NĂM NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13/10/2004 - 13/10/2021)

Huyện Tháp Mười: Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô và khuyến khích phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn

Cập nhật ngày: 13/10/2021 10:07:40

ĐTO - Thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Tháp Mười đã quan tâm cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chương trình hành động số 119 ngày 25/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó xác định rõ mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững kinh tế huyện nhà, là động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Huyện Tháp Mười quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia phát triển các sản phẩm tiềm năng và đăng ký sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. 
Ảnh: CTV

Huyện thường xuyên và định kỳ 6 tháng, năm tổ chức họp mặt, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện để thông báo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Chính quyền các cấp đã đồng hành cùng doanh nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; mối quan hệ giữa doanh nhân và các cơ quan nhà nước ngày càng thân thiện hơn. Thực hiện nghiêm cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” từ huyện đến các xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, theo dõi để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, gây khó khăn, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp đã tạo được sự chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận xã hội về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội.

Địa phương đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng các mô hình và việc làm thiết thực (cà phê doanh nghiệp - doanh nhân, họp mặt doanh nhân, thư điện tử, mạng xã hội) với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp; nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của doanh nhân, hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hoạt động phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng số lượng doanh nghiệp thành lập và hoạt động hiệu quả. Trong 10 năm qua (2012 -2021) toàn huyện Tháp Mười có hơn 5.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 1.200 tỷ đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết về kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, thành lập và khởi sự doanh nghiệp cho đội ngũ doanh nhân có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu. Đồng thời chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện văn hóa trong kinh doanh, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có trách nhiệm đối với người lao động, với xã hội và cộng đồng, tham gia tốt các hoạt động an sinh xã hội như hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, chính sách hỗ trợ người nghèo.

Các ngành chuyên môn có nhiều cố gắng, phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp triển khai khá tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả, bám sát yêu cầu nhiệm vụ đề ra, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh thông qua các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn các cấp phối hợp với nhiều chủ doanh nghiệp tổ chức tốt hội nghị người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định, nội quy, quy chế dân chủ nội bộ, thỏa ước lao động tập thể. Công khai các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động, thực hiện tốt chế độ tiền lương, phát huy tính năng động, sáng tạo của công nhân lao động. Vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp thể hiện rõ qua việc giáo dục, động viên đoàn viên, hội viên, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi tại đơn vị, địa phương.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn