Kinh tế của tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua

Cập nhật ngày: 02/01/2023 11:02:28

(Ông Nguyễn Văn Toàn - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)

Phóng viên (PV): Với góc nhìn của nhà thống kê, xin ông cho biết khái quát về bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2022?


Ông Nguyễn Văn Toàn - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp

Ông Nguyễn Văn Toàn (N.V.T.): Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp bước vào năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đó là: Kinh tế thế giới phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; chuỗi cung ứng toàn cầu dần đi vào ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh... Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina bùng phát và kéo dài tạo ra cú sốc mới ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, làm cho giá năng lượng, giá lương thực thực phẩm tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng trên các nền kinh tế, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong nước, tình hình biến đổi phức tạp của thời tiết gây biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá bán một số nông sản hàng hóa thấp, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến xuất khẩu một số ngành hàng chủ lực trong nước và của tỉnh; ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất như: may mặc, giày da, chế biến thức ăn chăn nuôi... Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành kinh tế trong tỉnh.

Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND-HC về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh; cùng sự áp dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; sự đồng hành, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, quyết tâm của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và đại bộ phận người dân trong tỉnh đã thúc đẩy kinh tế của tỉnh phục hồi và tăng trưởng. Kết quả, năm 2022, ước tính tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 9,11%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7%) là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 10 năm 2012-2022.

Có thể rút ra một số điểm nổi bật của bức tranh kinh tế tỉnh năm 2022 là sự hồi phục và tăng trưởng mạnh của nền kinh tế sau dịch bệnh, đặc biệt là ở những tháng cuối năm 2022, mức tăng trưởng đạt 9,11%; xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng ngoạn mục với mức tăng 35%, đem về kim ngạch 1,7 tỷ USD và góp phần tiêu thụ nông sản; qui mô GRDP của tỉnh đạt mốc 100 ngàn tỷ đồng (giá thực tế).

PV: Xin ông phân tích thêm về nguyên nhân đạt được những con số nổi bật của nền kinh tế tỉnh năm vừa qua?

Ông N.V.T.: Nền kinh tế của tỉnh trong năm 2022 có sự phục hồi mạnh mẽ. Mặc dù GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng còn thấp với ước tăng 4,42% so với 6 tháng đầu năm 2021 (cùng kỳ năm trước tăng 5,84%). Sự phục hồi của nền kinh tế năm 2022 thể hiện rõ ở kết quả tăng trưởng mạnh 6 tháng cuối năm, cụ thể so với cùng kỳ năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,84%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 22,52%, (công nghiệp tăng 22,51%, xây dựng tăng 22,6%); khu vực thương mại – dịch vụ tăng 15,6%. Từ đó, làm cho cả năm 2022 tăng 9,11%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,9% (cùng kỳ năm trước giảm 7,68%) và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 13,92% (cùng kỳ năm trước tăng 1,09%); khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 1,86% (cùng kỳ năm trước giảm 0,51%); thuế sản phẩm ước tăng 6,27% (cùng kỳ năm trước giảm 0,34%). Trong tổng số 9,11% tăng trưởng chung thì khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đóng góp 0,66 điểm %; khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 3,32 điểm %, khu vực thương mại – dịch vụ đóng góp 4,7điểm %. Như vậy, khu vực thương mại – dịch vụ trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế của tỉnh năm 2022.

Tóm lại, kinh tế của tỉnh năm 2022 có mức tăng trưởng vượt trội so với một số tỉnh khác trong khu vực, nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh. Có nhiều nguyên nhân giúp đạt được tăng trưởng ấn tượng như trên, có thể kể một số nguyên nhân chính sau:

Sự đồng hành và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương với các DN, người dân trong phục hồi và phát triển sản xuất sau dịch bệnh, bám sát thực tế, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, người dân.

Tinh thần vượt khó của DN và tinh thần khởi nghiệp của người dân là các nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, năng lực sản xuất công nghiệp gia tăng tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, tạo điều kiện cho sản xuất của tỉnh, đầu tư của tư nhân tiếp tục tăng trưởng, góp phần gia tăng năng lực sản xuất (690 DN với gần 5.000 tỷ đồng vốn đăng ký).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục chứng tỏ là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.


Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã ký bản cam kết hành động năm 2023 trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh

PV: Từ kết quả phát triển năm 2022, ông có nhận định gì cho nền kinh tế tỉnh năm 2023?

Ông N.V.T.: Mặc dù năm 2022 trong bối cảnh quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn sau dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế tỉnh đã phục hồi và tăng trưởng với tốc độ khá cao và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 còn bao gồm cả sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh, vì vậy việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023 và các năm tới là điều hết sức khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN tỉnh nhà. Tuy nhiên, năm 2023, tình hình của tỉnh cũng có nhiều thuận lợi để tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2023, đó là: Trong nước, dịch Covid-19 được kiểm soát, các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dần phát huy tác động dài hạn đến nền kinh tế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất lao động, sức cạnh tranh; lạm phát được kiểm soát, tỷ giá được duy trì ổn định. Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với việc khởi công các dự án hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn Trung ương, giúp cho việc thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư vào địa bàn, tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế của tỉnh. Một số lĩnh vực có sự phát triển ổn định, đó là nuôi trồng thủy sản trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; thương mại và dịch vụ du lịch... Việc thực hiện đề án chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp sẽ tạo cú hích mới trong phát triển kinh tế.

PV: Theo ông, tỉnh cần tập trung những giải pháp gì để phát huy kết quả, vượt qua khó khăn của năm 2023?

Ông N.V.T.: 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026. Đây cũng là năm tỉnh khẳng định vị thế mới khi quy mô GRDP đã cán mốc 100 ngàn tỷ đồng, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2026) và sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; là năm tiếp theo của giai đoạn phục hồi kinh tế và tiếp tục kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, nhất là ảnh hưởng từ xung đột Nga và Ucraina, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Để kinh tế của tỉnh tăng trưởng trong năm 2023 đạt kế hoạch đã đề ra cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến để làm tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Trong lĩnh vực thủy sản tiếp tục quan tâm hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ngành cá tra, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Chính quyền tiếp tục đồng hành cùng các DN nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn khi các DN gặp phải để duy trì sản xuất tăng trưởng; tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng để thi công các dự án trọng điểm của tỉnh; quan tâm giải ngân vốn đầu tư công.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chỉ số thành phần bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá để tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh; hỗ trợ phát triển dịch vụ, tăng cường việc quảng bá hình ảnh và con người Đồng Tháp để thu hút phát triển ngành du lịch.

Phát triển nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” làm nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, lấy kinh tế nông nghiệp làm tiền đề cho công nghiệp và dịch vụ phát triển...

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn