Làng nghề làm chổi lông gà vào mùa Tết

Cập nhật ngày: 24/12/2014 13:41:51

Hơn 10 năm kể từ ngày được công nhận làng nghề truyền thống, làng nghề làm chổi lông gà (ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) ngày càng phát triển về quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, góp phần tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động ở địa phương. Thời điểm này, làng nghề “tăng tốc” chuẩn bị hàng cho thị trường Tết.


Làng nghề làm chổi lông gà Bình Thành “tăng tốc” phục vụ thị trường
Tết Nguyên đán 2015

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề làm chổi lông gà, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ cơ sở sản xuất chổi lông gà thuộc ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò cho biết: “Tết đến, ai cũng cần dọn dẹp nhà cửa tinh tươm nên nhu cầu mua chổi lông gà của người tiêu dùng tăng cao. Nắm bắt nhu cầu thị trường, gia đình tôi sản xuất hàng từ rất sớm, mới đủ lượng hàng cung ứng cho mối khắp nơi”.

Theo các hộ dân sản xuất chổi lông gà, giá nguyên liệu năm nay tăng từ 10 - 12% so với năm trước. Việc sản xuất hàng hóa phục vụ Tết năm nay của làng nghề chổi lông gà khởi động sớm hơn mọi năm, do nhu cầu đặt hàng và giá các sản phẩm tăng khoảng 5%. Ông Trần Thanh Hưng ngụ ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò cho hay: “Sản phẩm của gia đình tôi hiện có nhiều loại: chổi lông gà loại thường có giá từ 7.000 - 8.000 đồng/cây, chổi nilông từ 5.000 - 30.000 đồng/cây; chổi lông gà mã 18.000 đồng/cây, chổi lông đuôi gà từ 30.000 - 35.000 đồng/cây”.

Nguyên liệu trúc dùng làm cán chổi được người dân làng nghề dạo mua khắp nơi. Những cây trúc được cưa thành từng khúc theo quy cách dài, ngắn tùy từng loại cán chổi. Còn các loại lông gà được thu gom từ những cơ sở giết mổ gà. Người dân sản xuất mua lông gà về phơi khô, xỏ thành từng dây với giá 5.000 - 25.000 đồng/dây. Lông gà mua về phải qua các công đoạn giặt, phơi, đập lại và nhuộm màu, sau đó kết thành chổi.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2015, không khí làng nghề những ngày này rất khẩn trương, anh Lý Thanh Dũng ấp Bình An, xã Bình Thành chia sẻ: “Hiện gia đình tôi đã sẵn sàng cung ứng nguồn hàng cho thị trường Tết. Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị khoảng 50.000 sản phẩm chổi các loại với số vốn gần 200 triệu đồng. Chi phí này để lo các khoản như: lông gà, trúc, dây quấn, ni lông, nhân công lao động”.

Chị Phạm Thị Bích Tuyền - Chủ cơ sở sản xuất chổi lông gà thuộc ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò cho biết: “Trong năm, bắt đầu từ tháng 7 - 8 (dương lịch) đến Tết là thời điểm tiêu thụ chổi mạnh nhất. Mỗi ngày, cơ sở làm từ 500 - 1.000 cây chổi, những ngày có đơn đặt hàng nhiều có thể sản xuất thành phẩm 2.000 cây chổi. Khoảng 1 tuần đến 10 ngày, cơ sở chuyển hàng cho các mối lái từ các tỉnh (từ 13.000- 14.000 cây chổi/đợt). Có mối đặt hàng liên tục nên khá yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Sau khi trừ tất cả chi phí, còn lời từ 500 đồng - 1.000 đồng/cây. Tuy tiền lời ít nhưng được số lượng nhiều nên cũng kiếm được tiền lời và tạo việc làm cho nhiều anh chị em ở địa phương”.

Làng nghề làm chổi lông gà Bình Thành có khoảng 230 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 750 lao động tại địa phương, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là thị trường vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông, Campuchia... Do nhu cầu tiêu thụ tăng nên mẫu mã sản phẩm được cải tiến và chất lượng nâng lên. Với nhiều năm kinh nghiệm làm chổi, chị Nguyễn Thị Nga ngụ ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò cho biết: “Công việc làm chổi nhẹ nhàng nên tôi và nhiều chị em trong xóm có công ăn việc làm, thu nhập ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Ngoài ra, tôi còn nhận chổi về nhà bó thêm vào buổi tối, nhờ vậy cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình. Mỗi người 1 ngày có thể làm 10 - 20 cây chổi các loại”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn