Liên kết hợp tác phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 16/12/2022 17:16:44

ĐTO - Ngày 16/12, tại An Giang, UBND tỉnh An Giang phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu dự hội nghị.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được ký kết từ năm 2019. Qua thời gian thực hiện, chương trình từng bước tạo hiệu ứng lan toả và mang lại nhiều kết quả tích cực.


Gian hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp trưng bày tại hội nghị

Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bằng việc phát huy chương trình liên kết, cùng các giải pháp phục hồi hiệu quả, du lịch ĐBSCL đã có sự phát triển vượt bậc. Theo đó, ước năm 2022, tổng số khách đến ĐBSCL là 44 triệu lượt khách, tăng 201% so với năm 2021, doanh thu du lịch vùng đến cuối năm 2022 ước đạt 33.977 tỷ đồng.

Đánh giá cao sự liên kết, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch phát triển sản phẩm, nhưng các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay mối liên kết này chưa thể hiện rõ nét, đa phần các sản phẩm của các tỉnh đều gần giống nhau. Vì vậy, việc kết nối các tỉnh tạo ra một tour, tuyến để giới thiệu đến du khách các vùng miền khác, du khách nước ngoài rất khó thực hiện.


Quang cảnh hội nghị

Đề xuất các giải pháp để duy trì, phát huy các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành, các đại biểu cho rằng, TPHCM nên cùng với lãnh đạo các địa phương xây dựng một chương trình cụ thể, rõ ràng hơn. Trong đó, từng tỉnh chọn 1 hoặc 2 mô hình nổi bật nhất (có thể là lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, sản phẩm nghỉ dưỡng, ẩm thực…), từ đó chăm chút vào sản phẩm để cùng tạo ra sự thay đổi cho du lịch của vùng.


Đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cảm ơn các ý kiến đóng góp và cho biết, với vai trò là đơn vị trung tâm, TPHCM cùng các tỉnh ĐBSCL bàn giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng tập trung vào chất lượng, xây dựng các sản phẩm đặc thù, nổi bật theo từng tỉnh để tạo ra sự khác biệt và đủ sức cạnh tranh với mô hình du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Á. Để làm được điều này, ngoài sự định hướng của đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người dân – chủ thể trực tiếp thực hiện sản phẩm phải thổi hồn câu chuyện của từng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc sắc. Nếu kết hợp tất cả các yếu tố về chất lượng, văn hoá, tính mới… du lịch ĐBSCL sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tốt hơn trong thời gian tới.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn