Năm 2023, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của ngành công nghiệp đạt 9,4%

Cập nhật ngày: 02/02/2023 06:09:24

ĐTO - Năm 2022, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 (giá so sánh năm 2010) ước đạt 66.192 tỷ đồng, tăng 11,63% so với năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn ngành. Hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có sản lượng tăng cao so với năm 2021. Cụ thể, thủy sản chế biến tăng 16,07%, gạo tăng 46,97%; miến, hủ tiếu, bánh tráng và các sản phẩm tương tự tăng 55,13%; thuốc lá điếu có đầu lọc tăng 38,40%, cát khai thác tăng 47,89%, sản phẩm may mặc tăng 45,65%, giày da tăng 29,13%...


Chế biến cá tra xuất khẩu là thế mạnh của tỉnh

Để đạt được kết quả trên, tỉnh xây dựng các chương trình, định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương. Đồng thời ban hành các chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Về hoạt động khuyến công, trong năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện hỗ trợ cho 17 cơ sở, doanh nghiệp, với tổng kinh phí là 7,953 tỷ đồng; triển khai Chương trình khuyến công Quốc gia hỗ trợ cho 3 đơn vị, với tổng kinh phí hỗ trợ 900 triệu đồng.

Về các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 231/2019/NQ-HĐND ngày 02/4/2019 phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 597,7ha. Trong đó, có 13 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích 454,8ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 226,5ha/312ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 74,74%; thu hút được 62 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 15.495 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 20.650 lao động.

Đối với các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khu công nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 296/2019/NQ-HĐND ngày 7/12/2019 phê duyệt chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 99,29%. Riêng Khu công nghiệp Tân Kiều đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng để mời gọi đầu tư. Trong năm 2022, có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Năm qua, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện kịp thời các văn bản, chính sách thuế mới do Trung ương ban hành. Tổng số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 khoảng 7.400 tỷ đồng, đạt 110,3% so với dự toán và bằng 108,98% so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, tỉnh đã còn quan tâm xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ quản trị và kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ quản trị và kỹ thuật, công nghệ sản xuất; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng để phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân đi đầu trong các lĩnh vực công nghiệp, có trình độ kiến thức chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ, đồng thời đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các doanh nghiệp với các viện, trường, nhằm xúc tiến các hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai cơ chế tín dụng từ nguồn vốn thương mại với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp ưu tiên trên địa bàn. Trong năm qua, các Chi nhánh Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai cho vay hỗ trợ phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn vay. Trong đó, tập trung cho vay phục vụ các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai thực hiện các Đề án trọng điểm của tỉnh. Các Chi nhánh Ngân hàng thương mại tích cực, chủ động rà soát, làm việc với các khách hàng để triển khai việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ). Đến nay, có 5 Chi nhánh Ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất cho 20 khách hàng với dư nợ 312,92 tỷ đồng, chủ yếu thuộc nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp triển khai cho vay các chương trình tín dụng (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình) cơ bản đạt trên 95% kế hoạch; hỗ trợ số tiền lãi vay là 15,79 tỷ đồng cho 48.705 khách hàng với 52.093 khoản vay.

Với những kết quả đạt được, tỉnh đề ra kế hoạch thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 của Chính phủ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với mục tiêu xác định công nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế; tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá năm 2010) của ngành công nghiệp đạt 9,4%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá năm 2010) đạt 84.245 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa của ngành công nghiệp đạt 1.535 tỷ đồng...

KD

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn