Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Cập nhật ngày: 04/07/2012 13:41:54

10 năm tỉnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiểu quả kinh tế tập thể (KTTT) đã có sự chuyển biến tích cực, các loại hình KTTT phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, ngành, nghề; khắc phục một phần tình trạng yếu kém, củng cố cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực nội tại, tích lũy đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu, lợi ích đa dạng của xã viên và người lao động. Số HTX có lãi tăng, yếu kém giảm; mô hình HTX mới, điển hình tiên tiến ngày càng tăng; vai trò, vị trí của KTTT được nâng lên,...


Trạm bơm điện của HTX Bình Thành (Lấp Vò)

Thực hiện nhiệm vụ phát triển KTTT, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng có nhiều giải pháp thiết thực, tạo điều kiện cho HTX phát triển, củng cố HTX yếu kém, giải thể HTX không hoạt động hoặc hoạt động không đúng Luật HTX, đồng thời đẩy mạnh thành lập HTX, tổ hợp tác (THT) trong các ngành, lĩnh vực có điều kiện, nhu cầu hợp tác.

Toàn tỉnh hiện có trên 4.800 THT, tăng 150% só với năm 2001 với trên 146.000 thành viên, vốn hoạt động trên 172 tỷ đồng. THT hoạt động với hình thức phong phú, đa dạng: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông - vận tải, kinh doanh - dịch vụ và trên 3.000 THT tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng, CLB khuyến nông, hội nghề cá, hội sinh vật cảnh..., góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập tổ viên và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Hầu hết các THT qui mô nhỏ, vốn ít, trình độ quản lý thấp, địa bàn hoạt động và thị trường hẹp, các THT trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu hoạt động theo thời vụ.

10 năm qua toàn tỉnh đã thành lập mới 140 HTX, 1 liên hiệp HTX và giải thể 45 HTX do không hoạt động và hoạt động không đúng Luật HTX, hiện có 204 HTX, 1 liên hiệp HTX trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại - dịch vụ, vệ sinh môi trường, tín dụng.

Nhìn chung, các HTX hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, trở thành một kênh huy động các nguồn lực phát triển ngành, nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động của HTX, THT luôn gắn với các chương trình, mục tiêu phát triển KT - XH của địa phương. Liên doanh, liên kết giữa HTX với HTX, HTX với các doanh nghiệp đã được chú trọng; mô hình hợp nhất các HTX thành HTX có qui mô lớn, HTX do đoàn thể thành lập, HTX đa lĩnh vực được hình thành và phát triển. Hiện tỉnh có 5 HTX qui mô toàn xã, tuy nhiên qui mô hoạt động nhỏ, chất lượng và hiệu quả thấp, HTX nông nghiệp hoạt động chủ yếu là tưới tiêu, lợi ích mang lại cho xã viên, người lao động chưa nhiều, chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất.

Theo đánh giá, KTTT của tỉnh có bước phát triển nhưng còn chậm và chưa vững chắc. Năng lực nội tại các HTX còn hạn chế, khả năng cạnh tranh kém, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Số HTX yếu kém, hoạt động hình thức còn nhiều; nhiều mô hình HTX mới, điển hình tiên tiến chậm được nhân rộng. Qui mô HTX nhỏ, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa cao, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn chậm, tỷ trọng trong GDP của tỉnh thấp,... Số lượng HTX, THT có tăng nhưng phát triển không đồng đều ở các lĩnh vực, các địa phương, chủ yếu là HTX nông nghiệp. Một số HTX hình thành vội vàng, chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế. Trình độ, năng lực quản lý, điều hành của ban quản trị các HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn yếu; nhiều nơi còn làm theo thói quen kinh nghiệm, chưa thật sự thích nghi với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong KTTT đã được nhận diện, tuy nhiên để KTTT phát triển mạnh, thiết thực hơn, ngoài nỗ lực của địa phương, cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính đột phá từ Trung ương.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn