Ngành công thương tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch

Cập nhật ngày: 16/08/2021 14:44:47

ĐTO - Một trong những giải pháp trọng tâm của Sở Công Thương những tháng cuối năm là tăng cường công tác hỗ trợ, phòng chống dịch. Toàn ngành đẩy mạnh hướng dẫn và kiểm tra, quản lý các doanh nghiệp (DN) thực hiện phương án “3 tại chỗ” đối với các DN đang hoạt động trên địa bàn; tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân; rà soát và cập nhật số liệu về sản lượng, danh sách và khả năng cung ứng của từng đơn vị sản xuất sản phẩm nông sản, thủy sản, gia súc, gia cầm, nhu yếu phẩm để sẵn sàng cho công tác điều phối, đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân trên địa bàn; kịp thời tham mưu và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN...

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2021 của tỉnh giảm 5,75% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,22% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,86% so với tháng trước và giảm 6,69% so với cùng kỳ. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 7 cũng giảm đáng kể so với tháng trước: thủy sản chế biến giảm 5,8%; thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản giảm 7,78%; miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự giảm 0,32%; sản phẩm may giảm 0,61%; các bộ phận của giày dép bằng da, tấm lót bên trong có thể tháo rời giảm 0,23%... Riêng gạo xay xát tăng 0,2%.

Với việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch đã ảnh hưởng mạnh đến doanh thu các ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành, dịch vụ tiêu dùng khác, nhưng ảnh hưởng ít hơn đến ngành thương nghiệp do các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn hoạt động, các kênh bán hàng online tăng mạnh. Việc giá cả các mặt hàng thiết yếu như: rau, củ, quả, thực phẩm trên địa bàn chỉ tăng nhẹ khoảng 5 - 20% và trở lại gần như bình thường ít ngày sau đó đã phản ánh đúng tình hình này. Tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 9,69% so với tháng trước và giảm 13,22% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 0,58% so tháng trước, khách sạn nhà hàng giảm 64,81% và du doanh thu dịch vụ giảm 64,41% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất  nhập khẩu của tỉnh cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, kim ngạch có giảm so với tháng trước nhưng vẫn tăng ổn định so cùng kỳ. Xuất khẩu giảm một phần nguyên nhân ảnh hưởng từ một số thị trường nhập khẩu còn khó khăn rào cản do tình hình dịch bệnh. Tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (không tính tái xuất) giảm 1,22% so với tháng trước và tăng 19,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy sản giảm 2,21% so tháng trước, tăng 16,54% so cùng kỳ; mặt hàng gạo tăng 0,58%, tăng 9,15% so cùng kỳ; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 1,07% so với tháng trước; các sản phẩm ngành may tăng 1,01% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 0,90% so với tháng trước và tăng 45,22% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: xăng tăng 0,58%, nguyên liệu dược tăng 0,82%.

Hiện nay, số lượng lớn DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phải tạm ngưng do chưa đảm bảo thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”. Công nhân huy động đi làm chỉ từ 30 - 50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương nên công suất giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Lượng thủy sản tồn kho thành phẩm tại các DN chế biến thủy sản xuất khẩu (tính đến ngày 31/7/2021) khá nhiều, ước khoảng hơn 75.600 tấn, trong đó tồn kho của các DN đang hoạt động trên 65.800 tấn (chưa tính nguồn nguyên liệu tại các vùng nuôi của DN và liên kết các hộ dân). Lượng nông sản của người dân còn tồn đọng khá lớn do không có thương lái thu mua hoặc thu mua với giá rất thấp.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn