Người kỹ sư cơ khí đam mê sáng tạo

Cập nhật ngày: 03/10/2014 12:42:50

Đó là ông Lê Tấn Đại (sinh năm 1964) - chủ cơ sở cơ khí Đại Lợi thuộc địa bàn phường 4, TP.Cao Lãnh. Nhiều năm qua, ông đã nghiên cứu sản xuất ra hàng chục loại máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp và xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu người người tiêu dùng.


Cơ sở cơ khí Đại Lợi luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu

Sinh ra và lớn lên trong thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực trạng ngành nông nghiệp và xây dựng tại địa phương còn lạc hậu, đa phần các mặt hàng vẫn còn sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, mất nhiều công sức mà không hiệu quả, năng suất lại không cao. Cho nên, ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Tấn Đại luôn ấp ủ nhiều ý tưởng chế tạo các loại máy móc phục vụ cho ngành nông nghiệp và xây dựng.

Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại TP.Hồ Chí Minh, Lê Tấn Đại về công tác tại Nhà máy cơ khí tỉnh Đồng Tháp với công việc chính là sửa chữa thiết bị, máy móc nông nghiệp. Những ngày làm việc tại đây, ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay trong việc vận hành, bảo dưỡng các thiết bị cơ giới.

Đầu năm 1995, ông Đại quyết định mở Cơ sở cơ khí Đại Lợi. Ban đầu, cơ sở của ông chỉ nhận sửa chữa các thiết bị phục vụ nông nghiệp. Đến năm 1996, khi đô thị dần phát triển kéo theo sự thiếu hụt các thiết bị phục vụ trong ngành xây dựng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường nên ông Đại dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu sản xuất các loại thiết bị này. Không lâu sau đó, các sản phẩm máy trộn bê tông, máy ép cọc bê tông, máy đóng cừ tràm của Cơ sở cơ khí Đại Lợi chinh phục được nhu cầu thị trường xây dựng với nhiều tính năng ưu việt, độ chính xác cao.

Theo ông Đại, sau khi thành công trong sản xuất các thiết bị xây dựng, thời gian từ năm 2004-2007, ông mạnh dạn đầu tư thêm máy móc để cho ra đời máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Các loại máy này được ông cải tiến lại với nhiều chi tiết để vận hành tốt trên đồng ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc máy gặt đập liên hợp do ông Đại sản xuất có công suất từ 0,4 - 0,8ha/giờ, gặt được lúa ở cả ruộng khô và nước (15cm), có độ bền cao, sạch và tỷ lệ hao hụt thấp. Máy được vận hành, sử dụng, di chuyển đi lại dễ dàng và thuận tiện, độ rơi rụng và sót thóc rất ít. Còn loại máy kéo lúa sẽ giúp người dân di chuyển khoảng từ 3 - 4 tấn lúa/lần đến nơi tập kết, giúp giảm nhẹ chi phí nhân công.

Ông Đại chia sẻ: “Chế tạo các thiết bị sản xuất nông nghiệp và xây dựng không phải đơn giản, bởi từ lý thuyết đến thực tế ứng dụng là một quá trình gian nan. Để làm ra máy móc nào thì cũng cần phải nghiên cứu về công dụng sao cho phù hợp. Từ đó mới ra bản vẽ phù hợp rồi tiến hành sản xuất máy. Máy móc hoàn thành khi mang thử nghiệm thấy không được phải mang về làm lại. Trong suốt thời gian làm cơ khí, mong muốn lớn nhất của tôi là cung cấp máy nội địa có chất lượng, giảm các chi phí nhân công và mang lại hiệu quả cao cho nông dân”.

Sản phẩm máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa của Cơ sở cơ khí Đại Lợi cũng giúp nhiều nông dân khắc phục được các hạn chế trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như giảm bớt được hao phí sản xuất và công lao động, rút ngắn được thời gian vận hành. Kết quả cho thấy, khi sử dụng máy, tiến độ làm việc trong một ngày cao hơn nhiều lần so với lao động thủ công. Máy gặt đập liên hợp của Cơ sở cơ khí Đại Lợi có giá dao động từ 500 triệu - 600 triệu đồng/máy; máy kéo lúa từ 100 triệu - 120 triệu đồng/máy. Trong một năm, Cơ sở cơ khí Đại Lợi xuất bán ra thị trường được khoảng 500 sản phẩm các loại.

Ngoài việc mở rộng nhà xưởng mới rộng rãi và thuận tiện cho việc giao dịch với khách hàng, Cơ sở cơ khí Đại Lợi còn liên kết với Công ty TNHH Kubota để làm chi nhánh độc quyền cho nhiều dòng máy nông nghiệp Kubota của Nhật Bản.

Với những nỗ lực trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng của ông Đại đã nhận được giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam- thương hiệu vàng chất lượng (năm 2008); giải Khánh vàng chất lượng về sản phẩm máy gặt đập liên hợp và máy đóng cừ tràm (năm 2009); được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao (năm 2011) và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng nhiều Bằng khen về thành tích xuất sắc.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn