Người nông dân đam mê hoa kiểng
Cập nhật ngày: 07/03/2014 05:51:09
Ở tuổi 37, anh Huỳnh Thanh Tuấn, khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng hoa kiểng và đạt được những thành công nhất định.
Anh Tuấn chăm sóc hoa kiểng
Tiếp cận nghề hoa kiểng bằng cách “cha truyền con nối” từ nhỏ, nhưng khi anh Tuấn bắt tay vào nghề thực sự thì gặp không ít khó khăn, do công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì. Anh Tuấn tâm sự: “Phải mất nửa năm tôi mới biết cách trồng và chăm sóc hết các loại hoa kiểng của gia đình. Những năm đầu hoa kiểng chưa đắt hàng, sản phẩm của tôi chủ yếu chỉ cung cấp trong tỉnh và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.
Những năm sau đó, do hoa kiểng, đặc biệt là kiểng lá ngày càng được ưa chuộng, nhiều thương lái đến tìm mua để giao hàng cho mối ở TP.Hồ Chí Minh, nên anh lên tận TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu thị trường. Nhận thấy nhu cầu sử dụng hoa, kiểng, đặc biệt là kiểng lá để trang trí cho nhà hàng, khách sạn, công ty ở nơi này rất lớn, anh quyết định đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất. Vườn hoa kiểng của gia đình anh tựu trung gồm các loại chủ lực như: hồng, phú quý, ngọc ngân... Sau đó, anh ký được hợp đồng bán trực tiếp cho thương lái ở TP.Hồ Chí Minh, không qua trung gian để tăng lợi nhuận.
Từ năm 2005, trước nhu cầu tiêu thụ hoa kiểng tăng mạnh, anh Tuấn tiến hành thu mua hoa, kiểng của các hộ ở địa phương. Lúc đầu, mỗi ngày anh giao cho thương lái với số lượng ít, về sau tăng lên dần, với hàng chục ngàn giỏ kiểng lá các loại. Không dừng lại ở đó, để cung cấp sản phẩm cho thương lái với số lượng lớn và đồng đều, năm 2010 anh phối hợp với Hội Nông dân phường Tân Quy Đông củng cố Hợp tác xã (HTX) hoa kiểng. Với vai trò là Phó Giám đốc HTX, anh Tuấn luôn quan tâm, giúp đỡ các thành viên HTX về kỹ thuật chăm sóc hoa kiểng và tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm của xã viên.
Qua hơn 10 năm gắn bó với nghề sản xuất hoa kiểng, anh Tuấn đúc kết được nhiều kinh nghiệm để thành công. “Trước tiên phải có niềm đam mê với nghề. Kế đến phải nắm vững các quy trình kỹ thuật trồng hoa thông qua việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và luôn tìm kiếm các giống mới có chất lượng đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, phải có sự liên kết trong sản xuất để tạo ra sản lượng lớn, đồng đều, đặc biệt chú trọng tổ chức xây dựng và quảng bá thương hiệu” - anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.
Từ việc trồng hoa kiểng, những năm gần đây gia đình anh Tuấn thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Không chỉ là thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Tuấn còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã, tham gia công tác xã hội, ủng hộ các nguồn quỹ, tặng quà cho cho học sinh nghèo. Hiện anh là Ủy viên BCH Hội Nông dân tỉnh và là Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông.
Thảo Vy