Những khó khăn, thuận lợi trong triển khai thực hiện dự án sử dụng quỹ đất để tạo vốn

Cập nhật ngày: 01/06/2012 10:56:33

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có tổng cộng 66 dự án trong danh mục được phê duyệt với tổng diện tích 1.340,4ha, những dự án này đã giao cho 11 huyện, thị, thành phố (trừ huyện Hồng Ngự). Trung tâm quỹ đất và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ dự án.


Kiểm tra dự án Khu thương mại Lấp Vò

Trong 66 dự án, có 33 dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện. Đến thời điểm tháng 4-2012, có 18 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư gồm: 4 dự án đang thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, 6 dự án đang san lấp mặt bằng, 8 dự án đang thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án sắp hoàn thành phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật (dự án tuyến dân cư đường số 1 - khu dân cư Hòa An, thành phố Cao Lãnh đạt 80% và dự án tuyến dân cư số 1, thị trấn Lấp Vò đạt 85%). 15 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong đó đã lập xong quy hoạch 1/2000 hoặc 1/500 và đang kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà đầu tư đăng ký tham gia (huyện Châu Thành 8 dự án, huyện Tân Hồng, thành phố Cao Lãnh, thị xã SaĐéc và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh mỗi nơi 1 dự án), trong 15 dự án này có 7 dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 quá thời hạn 3 năm nhưng chưa thực hiện đền bù cho dân (trong đó Châu Thành có 5 dự án, huyện Tân Hồng và Tam Nông mỗi nơi 1 dự án).

Nhìn chung, tiến độ thực hiện các dự án chậm, phần lớn do thiếu vốn đầu tư, thiếu nhà đầu tư có năng lực, do đó các chủ dự án vừa chuẩn bị đầu tư, vừa triển khai thực hiện và tìm đầu ra, đối tác thực hiện.

Công tác đền bù giải phóng mặt bằng từ khi thực hiện theo Nghị định 69/ 2009/NĐ-CP và các chính sách của tỉnh đã được người dân đồng tình ủng hộ do chính sách bồi thường phù hợp, tạo mọi điều kiện cho người dân bị thu hồi đất ổn định chỗ ở, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập; cán bộ làm công tác điều tra, lập phương án, tổ chuyên viên giúp việc trong công tác thẩm định ngày càng chuyên nghiệp hơn, hạn chế sai sót. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác này vẫn là việc thay đổi chính sách về đền bù thường xuyên, gây khó khăn trong công tác đền bù đối với những dự án phải thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, trong nhiều năm qua do người nhận tiền đền bù sau thường khiếu nại khi có thay đổi về chính sách bồi thường hỗ trợ. Việc quy định hỗ trợ 50% giá đất ở trong đô thị, khu dân cư... tối đa là 1.000m2 gây ra sự so bì với người dân bị thu hồi đất nông nghiệp ngoài đô thị (hỗ trợ 3 lần giá đất nông nghiệp với diện tích tối đa là 3ha).

Công tác tái định cư của dự án và đời sống của người dân trong vùng quy hoạch sau khi bị thu hồi đất do chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất của Nhà nước theo hướng ngày càng có lợi cho người dân, đặc biệt đối với dự án tạo vốn để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị. Người dân được tái định cư tại dự án có điều kiện sống tốt hơn, hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh nên đa số người dân trong vùng bị giải tỏa có cuộc sống tốt hơn trước. Mặt khác, khi kết cấu hạ tầng của dự án khi được đưa vào khai thác, sử dụng thì người dân được hưởng lợi từ hiệu quả của dự án mang lại như: giải quyết được nhu cầu nhà ở, người dân có cơ hội chuyển sang làm thương mại, dịch vụ nên thu nhập cao hơn hoặc có điều kiện chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác có thu nhập ổn định hơn.

Vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được sử dụng quỹ đất tạo vốn là một chủ trương đúng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh nên hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho các dự án có khả năng sinh lợi tốt, phát triển kết cấu hạ tầng và giải quyết được nhiều chỗ ở cho người dân, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các nhà đầu tư bất động sản được tiếp cận nguồn vốn vay và hạ lãi suất cho vay phù hợp, đề xuất Chính phủ ban hành quy định và giao cho các Bộ liên ngành hướng dẫn đầy đủ, hệ thống đối với dự án tạo vốn từ quỹ đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

DT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn