Nông dân đặt nhiều kỳ vọng vào Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng”

Cập nhật ngày: 17/11/2023 16:07:19

Sau hơn 7 năm hình thành và phát triển, mô hình Hội quán mang đến nhiều giá trị tích cực cho làng quê nông thôn tỉnh nhà. Mô hình Hội quán giúp nông dân thay đổi về nhận thức trong việc khai thác giá trị của nguồn tài nguyên bản địa, là cầu nối gắn kết tình làng nghĩa xóm ở nông thôn.


Khách du lịch tham quan vườn xoài tại Minh Tâm Hội quán (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh)

Với những kết quả tích cực mô hình Hội quán gặt hái được, sự kiện Ngày hội “Hội quán Đất sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển” mang tính bước ngoặc để các Hội quán nhìn lại hành trình phát triển, từ đó có những định hướng mới để nông thôn Đồng Tháp phát triển ngày càng giàu đẹp hơn.

Hội quán - nơi nông dân cùng nghĩ, cùng làm

Là một trong những Hội quán được thành lập đầu tiên tại huyện Cao Lãnh, Minh Tâm Hội quán (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) là Hội quán có nhiều cách làm hay trong việc giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, phát huy được tối đa những giá trị của cây xoài.

Từ ngày ra mắt đến nay, Minh Tâm Hội quán khẳng định được vai trò của mình trong việc tập hợp nông dân gặp gỡ, giao lưu, cùng bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xử lý xoài ra hoa rải vụ, cách phòng trừ bệnh trên cây xoài, áp dụng quy trình sản xuất xoài theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Không chỉ dừng lại ở việc bàn bạc các vấn đề liên quan đến mùa vụ, sản xuất xoài, các thành viên Hội quán còn nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm từ xoài như: rượu xoài, yaourt xoài, dưa xoài, nước ép xoài, sinh tố xoài... để tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Truyện - Chủ nhiệm Minh Tâm Hội quán, tâm sự: “Sau 7 năm thành lập, Hội quán trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Ban đầu, các thành viên chỉ nghĩ đơn giản là phải làm như thế nào có thể sản xuất xoài sạch, an toàn hơn để tạo dựng thương hiệu Xoài Cao Lãnh địa phương. Tuy nhiên, đi sâu vào chuỗi sản xuất, bà con nhận thấy cần có những giải pháp khai thác giá trị sâu hơn từ trái xoài mới giúp nông dân nâng cao thu nhập. Xuất phát từ nhu cầu thực tế phát triển ngành hàng xoài theo chiều sâu, thành viên Hội quán cùng nhau trao đổi nội dung thực hiện. Đối với nội dung cần chuyên môn sâu hơn, Hội quán nhờ đến chính quyền địa phương, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm giúp Hội quán tháo gỡ. Nhờ tinh thần đoàn kết, thời gian qua, Hội quán xây dựng nhiều mô hình mới như: “Cây xoài nhà tôi”, Làng du lịch trải nghiệm nông nghiệp xã Mỹ Xương... góp phần giúp việc quảng bá thương hiệu xoài, nông dân địa phương có thu nhập cao hơn so với sản xuất xoài đơn thuần. Mặc dù, mô hình chỉ dừng lại phát triển ở quy mô nhỏ nhưng đây thật sự là một bước tiến lớn trong nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân địa phương”.

Không dừng lại ở việc bàn bạc các giải pháp phát triển kinh tế mà các vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng được các thành viên Hội quán bàn bạc, giải quyết. Từ những cách làm hay của Minh Tâm Hội quán cho thấy sự trách nhiệm và gắn kết người dân trong việc tham gia tích cực vào thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.


Sản xuất xoài sấy dẻo của Cơ sở Lộc Thịnh Phát - thành viên Nhân Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh)

Kỳ vọng vào sự bứt phá mới của mô hình hội quán

Hội quán Cùng nhau làm du lịch là Hội quán đầu tiên tập hợp những nông dân trồng hoa, đam mê làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc, TP Sa Đéc. Sau hơn 7 năm thành lập, Hội quán có sự phát triển mạnh mẽ, nâng cấp về quy mô lẫn chất lượng hoạt động, trở thành một trong những Hội quán tiêu biểu của tỉnh được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập.

Ông Trần Thanh Hùng - Chủ nhiệm Hội quán Cùng nhau làm du lịch chia sẻ: “Từ tư duy bị gói gọn trong “mảnh vườn, ao cá” nhưng khi tham gia mô hình Hội quán thật sự là bước đột phá trong tư duy sản xuất của nông dân. Dưới “mái nhà chung” này, các thành viên có dịp ngồi lại với nhau chia sẻ giải pháp để cùng nhau phát triển, tiến xa hơn. Thời gian đầu, mọi thứ đều khó khăn khi phần đông thành viên Hội quán chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời từ các ngành, các cấp nên hoạt động của Hội quán dần đi vào bài bản và chuyên nghiệp hơn. Từ đó, thu nhập kinh tế nông hộ có nhiều cải thiện hơn so với việc chỉ trồng hoa kiểng đơn thuần như trước đây. Tham gia Hội quán vừa giúp tư duy của nông dân thay đổi vừa giúp cho bà con hiểu rõ được giá trị nguồn tài nguyên bản địa để khai thác hiệu quả hơn. Với những kết quả tích cực từ mô hình Hội quán mang lại, Hội quán Cùng nhau làm du lịch rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình Đồng hành cùng phát triển” sẽ là cơ hội để Hội quán học hỏi, cập nhật kiến thức mới để phát triển tốt, chuyên nghiệp hơn trong thời gian sắp tới”.

Các thành viên hội quán trên địa bàn tỉnh đều kỳ vọng Ngày hội này sẽ là dịp để các Hội quán cọ sát với nhau, học tập, cùng phát triển. Ông Trần Quan Thâu - thành viên Nhân Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) chia sẻ: “Lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp tổ chức Ngày hội dành cho tất cả các Hội quán trên địa bàn tỉnh tham gia, tôi thật sự xúc động và mong chờ đến ngày khai mạc. Đây là một sân chơi lớn, nơi để các Hội quán có dịp chia sẻ những kinh nghiệm hay trong sản xuất và kinh doanh. Tôi cũng kỳ vọng, thông qua Ngày hội sẽ có nhiều đối tác, doanh nghiệp đến kết nối, tiêu thụ sản phẩm của Nhân Tân Hội quán”.


Khách du lịch tham quan Cánh đồng hoa hồng, TP Sa Đéc (hội viên của Hội quán Cùng nhau làm du lịch)

Với chặng đường 7 năm hình thành và phát triển, Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng sự thật là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng giúp cho các Hội quán có thêm những góc nhìn mới, từ đó rút tỉa được những bài học giá trị để tiếp tục đưa mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp phát triển hiệu quả hơn. Đồng thời đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong giai đoạn tới.

MỸ LÝ

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn