Nông dân thời kì hội nhập cần làm gì?

Cập nhật ngày: 21/07/2014 05:30:07

Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, sản phẩm nông nghiệp ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều nước trên thế giới. Người nông dân phải làm gì để sản phẩm làm ra không những đáp ứng tốt được nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống - là vấn đề trọng tâm mà toàn tỉnh đang tập trung thực hiện theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Nhiều nhà vườn ở TP.Cao Lãnh tập làm quen dần qui trình sản xuất xoài an toàn

Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nông dân là một quá trình vận động, tuyên truyền lâu dài, phối hợp sâu rộng giữa các ngành, các cấp và địa phương. Cùng chung tay hướng đến xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh đã phối hợp các ngành, địa phương mở 5 lớp tập huấn cho hơn 850 học viên ở các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Thanh Bình, TP. Cao Lãnh... với nội dung nông dân và kinh tế hợp tác. Mặc dù đây chỉ mới là những điểm khởi đầu để hướng dẫn nông dân làm kinh tế hợp tác nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ và đón nhận nhiệt tình từ bà con nông dân.

Ông Lê VănTâm, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: “Hội Làm vườn nhận thấy kinh tế hợp tác là một nhu cầu tất yếu giúp nhà vườn có thể phát triển trong thời kì hội nhập. Nhà vườn muốn duy trì hiệu quả sản phẩm của mình, đòi hỏi phải liên kết với các nhà vườn khác. Mức độ liên kết thấp nhất là tổ hợp tác và qui mô lớn hơn là hợp tác xã. Từ đây, nông dân sẽ liên kết lại với nhau, cùng nhau tạo thành một vùng nguyên liệu lớn, cho ra đời những sản phẩm đồng nhất về chất lượng và an toàn cho người sử dụng... Đây là cơ sở giúp cho sản phẩm của bà con đến trực tiếp với doanh nghiệp, không còn qua các giai đoạn trung gian, giúp nông dân có thu nhập cao và ổn định hơn.”

Qua chương trình tập huấn, nhiều nhà vườn có cái nhìn mới mẻ và đa chiều hơn về kinh tế hợp tác. Chú Phạm Tấn Minh, thành viên Tổ hợp tác sản xuất xoài an toàn khóm 6, phường 6, TP. Cao Lãnh chia sẻ: “Sau lớp tập huấn, tôi và bà con nhà vườn ở đây hiểu sâu hơn về phát triển kinh tế hợp tác. Tôi nghĩ, sẽ không quá khó để nhà vườn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo qui trình an toàn. Nếu có doanh nghiệp đặt hàng, bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, cho dù yêu cầu của doanh nghiệp có khắt khe như thế nào thì chúng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được”.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ phân tích: Hiện nay, phần nhiều nông dân vẫn còn sản xuất theo kiểu kinh tế cá thể, nhỏ lẻ. Người nông dân vẫn chưa làm quen với cách bán hàng theo qui mô lớn cho doanh nghiệp, vẫn còn thói quen bán hàng theo tập quán cũ: không phân loại sản phẩm và thích bán cho thương lái... Hiện tại, song song với nhiều diện tích vườn chuyên canh thì vẫn còn nhiều diện vườn tạp hoặc giống cây ăn quả không chất lượng. Đây chính là nguyên nhân khiến nông sản của bà con không thể cạnh tranh và thường rơi vào hệ lụy “được mùa mất giá”. Do đó, người nông dân cần có một cách nhìn mới và hướng đi mới cho riêng mình.

Cũng theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, để tạo ra sức bật cho nông dân trong giai đoạn mới, thì chính quyền các cấp, nhất là các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Làm vườn... cần chuẩn bị cho từng hội viên, từng nông dân kiến thức để hội nhập, phải huấn luyện cho nông dân có kỹ thuật, tay nghề hiện đại nhất để sẵn sàng cạnh tranh với các nước khác. Giải pháp thuận lợi là tổ chức thế nào để gắn “Nhà nông” với “Nhà doanh nghiệp” trong một cơ chế hợp tác xã nông nghiệp hoặc cụm liên kết nông nghiệp kỹ thuật cao.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn