Nông dân xã Mỹ Long chủ động thay đổi tư duy sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững

Cập nhật ngày: 05/04/2022 12:58:48

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220405125928dt2-2.mp3

 

ĐTO - Thay đổi tư duy sản xuất, chủ động cùng nhau liên kết để có vùng nguyên liệu lớn và kết nối với doanh nghiệp (DN) là những cách làm hay của nông dân xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh trong việc xóa bỏ “lời nquyền” về sản xuất manh mún, thoát khỏi “điệp khúc được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của nông dân xã Mỹ Long như: xoài, chanh, ổi, mít… đã được DN tìm đến và kết nối tiêu thụ ổn định.


Mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ ở Tổ hợp tác sầu riêng số 1 xã Mỹ Long

Khoảng 7 năm qua, xã Mỹ Long là một trong những địa phương có diện tích chuyển đổi sang cây sầu riêng nhiều của huyện Cao Lãnh. Hiện toàn xã có khoảng 36ha chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Trong đó, có khoảng 40% diện tích sầu riêng đã cho trái và khoảng 60% diện tích còn lại chuẩn bị cho trái vụ đầu. Để không bị rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” và thuận lợi hơn trong việc thu hút DN đến kết nối tiêu thụ, nhiều nhà vườn ở huyện Cao Lãnh đã bắt đầu chủ động liên kết cùng nhau thành tổ hợp tác (THT) và tiến hành sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ.

Về việc chủ động kết nối và thay đổi tập quán sản xuất trong canh tác sầu riêng, anh Lương Như Ý - thành viên THT sầu riêng số 1 xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh bày tỏ: Những năm gần đây, sầu riêng là loại cây trồng được nông dân lựa chọn để canh tác. Ngoài huyện Cao Lãnh, ở các địa phương khác, diện tích sầu riêng cũng tăng khá “nóng”, khiến cho thị trường sầu riêng thời gian gần đây không ổn định, mất cân đối giữa cung và cầu. Hiểu được khó khăn đó, các nhà vườn đã cùng ngồi lại bàn đối sách liên kết và chuyển sang trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ để có thể kết nối được với các DN xuất khẩu. “Hiện THT của chúng tôi có 21 thành viên, canh tác trên 17ha sầu riêng. Để có một quy trình sản xuất đồng nhất, hàng tháng, THT thường tiến hành họp tổ để chia sẻ cách làm cũng như thông tin đến nhau những vấn đề về thị trường tiêu thụ, những quy định mới của nhà nhập khẩu để có những điều tiết trong sản xuất cho phù hợp. Mặc dù mới thành lập thời gian gần đây, song hiện đã có DN tìm đến THT để đặt hàng và tính đến chuyện kết nối lâu dài. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nhà vườn chúng tôi”, anh Lương Như Ý cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chí Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh chia sẻ, Hội Nông dân xã đang tiến hành rà soát lại một số cây trồng chủ lực của xã để xin cấp chứng nhận mã số vùng trồng. Hiện một số sản phẩm của xã đã kết nối được với DN tiêu thụ gồm: chanh, ổi, mít. Trong đó, cây chanh không hạt là đối tượng được xã khuyến khích nhân rộng vì sản phẩm này đang được DN xuất khẩu bao tiêu với sản lượng lớn và mức giá ổn định. Đặc biệt, đối với cây sầu riêng, mặc dù không phải là loại cây trồng được khuyến khích phát triển, song để người dân có thể chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, xã Mỹ Long cũng định hướng nông dân sản xuất sầu riêng tuân thủ theo quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và tiến tới được cấp mã số vùng trồng để có thể thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu trong thời gian tới.

Hiện tại, chủ trương của địa phương là dù phát triển sản xuất cây trồng nào thì vấn đề tiên quyết là phải sản xuất theo quy trình an toàn, tiến đến liên kết và từng bước hoàn thiện các chứng chỉ cũng như yêu cầu mà thị trường cần. Đây là yếu tố quan trọng để nông dân không còn bị đọng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và cũng là bước đệm để có thể thu hút các DN chế biến đến đầu tư tại địa phương...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn