Phát triển Cù lao Tây

Cập nhật ngày: 04/02/2015 13:36:14

Hội đủ những yếu tố cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, Cù lao Tây đang là lựa chọn của huyện Thanh Bình trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, địa phương kêu gọi đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh liên kết, góp phần đưa Cù lao Tây phát triển.


Cù lao Tây với những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp

Đầu tư hạ tầng

Theo bà Trần Thị Phiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, Cù lao Tây, huyện Thanh Bình bao gồm 5 xã (Tân Bình, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề, Tân Long) được bao bọc bởi con sông Tiền mang nhiều phù sa, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Hệ thống giao thông thủy cũng thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa. Từ những điều kiện trên, huyện chọn vùng này làm trọng điểm cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Với diện tích đất nông nghiệp gần 6.800ha, diện tích xuống giống hàng năm đều đạt 100% kế hoạch, năng suất bình quân từ 7 - 7,5 tấn/ha. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm trên 95% và lúa xác nhận đạt từ 85% trở lên. Hoa màu chủ lực là ớt, bắp, rau muống lấy hạt, đậu xanh, đậu nành, khoai cao... Huyện phát triển diện tích nuôi cá tra đạt 238ha, tập trung ở xã Tân Hòa với diện tích 160ha, năng suất bình quân 380 tấn. Đồng thời, người dân địa phương còn nuôi khoảng 340 lồng bè cá điêu hồng.

Với kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp cùng với những cây trồng, vật nuôi phù hợp, thu nhập bình quân toàn vùng cù lao trên đơn vị sản xuất nông nghiệp từ 50-100 triệu đồng/ha.

Để sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, địa phương đã thực hiện dự án đầu tư phát triển hạ tầng vùng chuyên canh rau màu huyện giai đoạn 2014-2020 với tổng diện tích giai đoạn 1 là 646ha, gồm 8 tiểu vùng với vốn đầu tư 6 tỷ đồng. Số lượng công trình bố trí thực hiện là 35, đến nay thực hiện xong 32 công trình. Theo nhận định của huyện, sau khi huyện đầu tư phát triển vùng rau màu đã góp phần nâng cao thu nhập so với trước từ 6-12 triệu đồng/ha.

Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng Cù lao được cải thiện đáng kể, trục giao thông đường chính và đường liên xã kết hợp làm đê bao khép kín toàn vùng và được nhựa hóa tạo điều kiện cho việc kiểm soát lũ tuyệt đối, nhu cầu giao thông đi lại và giao lưu mua bán thuận tiện. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước và các trạm bơm tiểu vùng được huyện quan tâm xây dựng.

Vừa hoàn thiện hạ tầng giúp cho bộ mặt Cù lao Tây phát triển, huyện đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thêm các tuyến đường dẫn, nâng bến đò lên thành phà có vận chuyển xe ô tô nối quốc lộ 30 - Cù lao - địa phận An Giang.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chọn “4 cây 2 con”

Theo kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Thanh Bình, đơn vị chọn Cù lao Tây làm khu vực trọng tâm, trong đó, huyện chọn 4 cây và 2 con (lúa, bắp, mè, ớt, cá tra và bò sinh sản).

Với thế mạnh là cây ớt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa - được xem là bước chuyển cho sản phẩm góp mặt tại thị trường nội địa và xuất tiểu ngạch sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia. Không dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn khai thác những giá trị gia tăng của ớt thông qua sản xuất sản phẩm làm từ ớt như bột ớt, muối ớt, tương ớt. Để phát huy thêm những tiềm năng vốn có, địa phương đang đẩy mạnh thực hiện quảng bá nhãn hiệu.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục phối hợp với các Viện, Trường Đại học nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sấy ớt cho nông dân nhằm bảo quản, dự trữ sản phẩm lâu hơn khi lưu thông trên thị trường; đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục thực hiện Đề tài Xây dựng Quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại xã Tân Bình, huyện Thanh Bình.

Điều phấn khởi là vừa qua Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu vùng Cù lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp” vào danh mục các dự án đề xuất Quỹ Ả-rập Xê-út, tổng kinh phí thực hiện là 29,8 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường khả năng chống ngập, chống lũ, giảm thiểu tác động của thiên tai, cải thiện đời sống xã hội và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân tại vùng Dự án.

Cây bắp của địa phương cũng được xem là sản phẩm tiềm năng khi huyện thực hiện thí điểm ký kết với Công ty cổ phần sinh thái Ecofarm. Theo ghi nhận bước đầu, mô hình đạt năng suất bình quân 10 tấn/ha và lợi nhuận thu về trên 20 triệu đồng/ha

Bà Trần Thị Phiến thông tin, địa phương còn quan tâm phục tráng và phát triển vùng sản xuất lúa mùa nổi xã Tân Long. Song song đó, địa phương triển khai đề án nuôi bò sinh sản, trong đó tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm giảm giá thành chăn nuôi, tăng lợi nhuận. Giai đoạn thực hiện đề án diễn ra từ nay đến năm 2017 tại xã Tân Bình, quy mô 25 hộ (đối tượng hộ nghèo và cận nghèo).

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, để phát triển nông nghiệp, huyện cần xây dựng đề án kinh tế xã hội riêng cho 5 xã cù lao, trong đó phát triển nông nghiệp phải đẩy mạnh nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, đề án cần quan tâm nhiều hơn đến sự hợp tác của doanh nghiệp và nhà khoa học để giúp nông sản của địa phương phát triển...

K.D

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn