Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 10/11/2022 18:42:29

ĐTO - Với Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp hướng đến mục tiêu chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Đồng thời, xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp...


Công ty CP Ecofarm Đồng Tháp, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 
Ảnh: Nhật Khánh

Trên tinh thần khai thác tiềm năng của các ngành hàng chủ lực, Đồng Tháp tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững, theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở doanh nghiệp kinh doanh, chế biến. Ngoài ra, phát triển hợp tác xã, hội quán tại các vùng sản xuất để thống nhất quản lý và phát triển, đảm bảo cân đối cung cầu; xây dựng và nhân rộng diện tích sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đối với ngành hàng tiềm năng, tỉnh định hướng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển cân đối nhu cầu, đáp ứng yêu cầu thị trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Riêng ngành hàng đặc sản địa phương xây dựng kế hoạch phát triển theo hướng sinh thái gắn với phát huy kết hợp khai thác du lịch trải nghiệm và phát triển sản phẩm OCOP góp phần tạo ra giá trị mới trong quá trình sản xuất.

Tổ chức sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững là một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm trên bước đường phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng thích nghi điều kiện tự nhiên của tỉnh; bảo tồn và phát triển giống bản địa; xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng để phục vụ sản xuất. Đồng thời quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và sử dụng phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón hữu cơ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh. Mặt khác, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại vùng sản xuất lớn

Hướng tới phát triển nền nông nghiệp trước thách thức của biến đổi khí hậu, Đồng Tháp quan tâm thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Trên tinh thần đó, tỉnh định hướng xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực, phát triển hợp tác xã gắn với vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Không dừng lại đó, tỉnh còn hỗ trợ hợp tác xã, nông dân tham gia các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp thông qua việc “số hóa dữ liệu liên quan đến sản xuất” tiến đến “số hóa, tự động hóa quy trình sản xuất” và “chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất”.

Cùng với phát triển nông nghiệp, Đồng Tháp còn chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập; đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có các chính sách thu hút đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn. Đồng thời nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác.


Ông Lê Phúc Lai ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành bén duyên với giống nhãn tím. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, địa phương còn quan tâm xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển tổng quan, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp.

Đáng quan tâm, Đồng Tháp còn đẩy mạnh bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu. Theo đó, tỉnh phát triển cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, thông minh, phát huy lợi thế địa phương, đảm bảo xanh - sạch - đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như: chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông sản, xử lý chất thải... cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân, khu du lịch nghỉ dưỡng...

Ngoài ra, giảm dần sức ép của phát triển kinh tế - xã hội với môi trường bằng các giải pháp như: chấm dứt lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều kiện tái tạo các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng; đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn.

Mặt khác, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu bằng cách áp dụng các biện pháp canh tác, áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường; tăng cường sử dụng nguyên liệu vi sinh hoặc hữu cơ, áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm đầu vào, phát triển mạnh tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp nông nghiệp để giảm bớt lượng nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải cac-bon...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, với vai trò là tỉnh đầu nguồn sông Mê-Kông, địa phương quan tâm phát triển các hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững mang lại giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp, bảo tồn nguồn nước ngọt, môi trường sinh thái...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn