Phát triển vật liệu xây không nung - xu hướng tất yếu của ngành vật liệu xây dựng

Cập nhật ngày: 25/04/2014 06:36:38

Nhằm mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường, an ninh lương thực và thực hiện các quy định về việc hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, UBND tỉnh có buổi làm việc với các sở, ngành về việc ban hành đề án “Phát triển vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”.


Lò gạch truyền thống gây ô nhiễm môi trường

Đề án được ban hành sẽ là cơ sở để từng bước thay thế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung bằng các loại vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề án cũng nêu rõ các giải pháp thực hiện các quy định, các chính sách, các chế độ hỗ trợ cho việc chuyển đổi sản xuất gạch đất sét nung sang sản xuất VLXKN, góp phần đáp ứng nhu cầu về sử dụng VLXKN trên địa bàn tỉnh.

Đồng Tháp là tỉnh có số lượng lò gạch nhiều và sản lượng gạch nung lớn của khu vực. Hiện tại, các lò gạch tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Thanh Bình, TP. Sa Đéc, TP. Cao Lãnh. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến năm 2013 trên địa bàn tỉnh có 168 cơ sở sản xuất với gần 500 lò gạch đất sét nung. Sản lượng sản xuất khoảng 290 triệu viên/ năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1900 lao động.

Hiện nay, tỉnh ta có hai dạng lò gạch hoạt động chủ yếu là lò hoffman cải tiến và lò đốt thủ công. Tuy nhiên, theo kết quả quan trắc môi trường của Sở Tài Nguyên và Môi Trường, về chất lượng không khí tại các địa bàn sản xuất gạch cho thấy tình trạng ô nhiễm vẫn đang ở mức cao hơn tiêu chuẩn cho phép về thông số bụi và khí HF.

Nhìn chung, hiện tại các cơ sở sản xuất gạch sản xuất không hiệu quả do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, phải mua nguyên liệu, nhiên liệu với giá tương đối cao, lao động làm việc cho các lò gạch ngày càng khan hiếm, một số cơ sở hiện tại tạm ngưng hoạt động. Hầu hết các cơ sở sản xuất chấp nhận chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất chưa nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật, dây chuyền công nghệ, giá thành thiết bị, dây chuyền sản xuất VLXKN. Giá thành, chất lượng sản phẩm của gạch không nung, nguồn nguyên liệu để sản xuất, khả năng chấp nhận của thị trường đối với sản phẩm này cũng là vấn đề quan tâm của các cơ sở sản xuất gạch.

Hiện tại, trên thị trường có các dòng sản phẩm và công nghệ sản xuất VLXKN như: gạch bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp – AAC, gạch xi măng cốt liệu. Ưu điểm của các VLXKN này là: không dùng đất sét để sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường, giảm kết cấu móng, cách âm, cách nhiệt; gạch có trọng lượng nhẹ và kích thước linh hoạt nên tiến độ xây dựng nhanh, công nhân xây dựng ít.

Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển VLXKN và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, UBND tỉnh đã đề ra những giải pháp cụ thể như: sẽ không cấp phép đầu tư mới các lò gạch đất sét nung thủ công; đối với các lò gạch tại các khu vực nội ô thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, gần các công trình công cộng (bệnh viện, trường học) phải chấm dứt hoạt động chậm nhất đến hết năm 2015; đối với các lò gạch tại các khu vực ngoại ô thành phố, thị xã, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác lúa, hoa màu phải chấm dứt hoạt động chậm nhất đến hết năm 2018 và các khu vực còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất đến hết năm 2020... UBND tỉnh khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ 40% lãi suất vay cho các cơ sở sản xuất gạch truyền thống có nguyện vọng chuyển đổi đầu tư VLXKN.

Theo qui định thì tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXKN kể từ 15/1/ 2013. Sau năm 2015, cả nước phải sử dụng 100% VLXKN. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì trong nước đã có các nhà máy sản xuất VLXKN với tổng công suất khoảng 5 tỷ 400 triệu viên, chiếm 27% sản lượng vật liệu xây. Tuy đã đạt sớm hơn mục tiêu mà Quyết định 567 đề ra là sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2015 là 20-25%, nhưng để đưa VLXKN tiếp cận các công trình dân dụng phải cần nhiều thời gian. Yếu tố quan trọng là cần có các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN nhiều hơn, để góp phần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang VLXKN ở Đồng Tháp năm 2020.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn