Tạo chuyển biến mạnh mẽ về thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 19/04/2022 09:29:40

Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hướng dẫn, phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành Trung ương có liên quan và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), công tác triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã đạt được những kết quả tích cực nhất định. Việc thực hiện nghị quyết đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành của tỉnh trong xây dựng và thực hiện các chương trình, chiến lược, kế hoạch, dự án (DA) cấp bách về thích ứng với BĐKH.


Công trình thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP Cao Lãnh

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng và người dân về các tác động thách thức của BĐKH đến tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL. Trong đó, để cùng với người dân chủ động trong thích ứng với BĐKH và các tác động khác từ thượng nguồn, tỉnh thường xuyên quan tâm đề ra các giải pháp nhằm định hướng chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân theo lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, khuyến khích sản xuất tập trung và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ban hành chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người nông dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh...

Lồng ghép nội dung thích ứng với BĐKH vào nội dung điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang hoàn chỉnh lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 6/2022. Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong các công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy tiềm năng về văn hóa, con người, kinh tế, xã hội địa phương hướng đến phát triển tỉnh Đồng Tháp thịnh vượng, ổn định và bền vững.

Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có 7 DA về ứng phó, thích ứng với BĐKH được triển khai thực hiện gồm: DA hệ thống đê bao nhằm ứng phó BĐKH, bảo vệ đời sống của người dân thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông; tiểu DA nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười; DA nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, TP Cao Lãnh (giai đoạn 1); kè Hổ Cứ, xã Hòa An, TP Cao Lãnh; DA xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh; kè bờ từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ và DA phòng, chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (xã Long Thuận và Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự). Dự kiến các DA trên sẽ hoàn thành trong năm 2022 và 2023. Ngoài ra, UBND tỉnh đang xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến công bố và ban hành cuối tháng 4/2022.

UBND tỉnh đang xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chính là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; tập trung phát triển và xây dựng các chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh; phát triển nông nghiệp giúp cho nông dân giàu có, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới là nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và là nơi đáng sống.

Bên cạnh đó, nhiều đề tài, DA nghiên cứu được thực hiện, tập trung vào nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của BĐKH và xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó, giảm thiểu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về suất tiêu hao nguyên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm của các ngành công nghiệp trên cơ sở điều tra khảo sát, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của 143 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đối với đề tài quan trắc môi trường nước phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với BĐKH tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn