Thị trường xuất khẩu gạo năm 2015 còn nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 14/01/2015 05:42:00

Bộ Công Thương vừa tổng kết tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo năm 2014 và định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo năm 2015. Theo báo cáo, năm 2014, diễn biến thị trường gạo thế giới có nhiều biến động, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, song xuất khẩu gạo vẫn đạt được mục tiêu 6,2 triệu tấn, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo với mức giá có lợi cho người nông dân, bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường gạo trong nước. Riêng đối với Đồng Tháp, do ảnh hưởng khó khăn chung về thị trường đầu ra nên xuất khẩu gạo đạt thấp so với năm 2013, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp rất ít, chủ yếu xuất khẩu với hình thức ủy thác, năm 2014 xuất khẩu đạt 219.114 tấn, bằng 93,4% kế hoạch.

Dự báo thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2015 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2015, Bộ Công Thương cần phối hợp các bộ, ngành liên quan tập trung vào các nhiệm vụ: Tiếp tục tăng cường thực hiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời theo dõi sát quá trình thực thi các quy định, chỉ đạo của Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy xuất khẩu gạo. Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; tập trung củng cố các thị trường tập trung truyền thống trọng điểm; tích cực mở rộng, phát triển thị trường mới, thị trường tiềm năng; tranh thủ các hiệp định thương mại song phương, đa phương từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin thị trường, tăng cường trách nhiệm và chia sẻ, phối hợp trao đổi phân tích, đánh giá thông tin thị trường giữa Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, nhất là doanh nghiệp đầu mối tại các thị trường tập trung. Theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là những khó khăn về vốn tín dụng, tài chính để có những biện pháp xử lý, tháo gỡ phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu gạo có hiệu quả...

Trúc Tươi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn