Thị xã Hồng Ngự phát triển, nâng cao chất lượng đàn bò

Cập nhật ngày: 19/09/2014 13:35:04

Những năm gần đây, thị xã Hồng Ngự không ngừng nỗ lực phát triển sản các sản phẩm nông nghiệp theo hướng liên kết, tạo sự ổn định, bền vững. Trong đó, phát triển, cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được địa phương tập trung thực hiện.


Nuôi bò sinh sản tại phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự)

Thị xã Hồng Ngự là địa phương có số lượng đàn bò tương đối thấp so với các huyện, thị, thành trong tỉnh. Tổng đàn bò của toàn thị xã khoảng 600 con, tập trung ở các xã An Bình A, Bình Thạnh và Tân Hội. Ông Nguyễn Huấn - Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết, thị xã Hồng Ngự có đủ điều kiện để phát triển đàn bò lai rất tốt vì địa phương có lượng rơm rạ lớn, bà con có kinh nghiệm nuôi bò. Tuy nhiên, tỷ lệ bò lai và máu lai đang còn thấp, hiện người dân địa phương chủ yếu mua giống bò từ biên giới Campuchia, không rõ nguồn gốc, sự nhận bệnh và tiêm phòng bệnh không xác định được, gây nhiều khó khăn trong chăn nuôi.

Để cải thiện tầm vóc cũng như chất lượng đàn bò theo hướng chuyên nghiệp, địa phương xác định cần có những thay đổi về chất lượng đàn bò. Ông Nguyễn Huấn cho biết, trong năm 2014, thị xã chủ trương hỗ trợ vốn cho nông dân nuôi bò sớm thoát nghèo bằng kế hoạch phát triển chăn nuôi bò lai, bò giống ngoại theo mô hình nuôi bò nhốt bán thâm canh ở hộ gia đình. Cụ thể, nông dân đầu tư mua giống bò ngoại sẽ được thị xã hỗ trợ 1con/hộ/5triệu đồng, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh, tinh giống... nhằm tạo ra đàn bò sinh sản có chất lượng cao. Mô hình nuôi bò đã được triển khai ở 5 xã, phường gồm: phường An Lạc, An Thạnh, xã An Bình B, Tân Hội và Bình Thạnh với số bò hỗ trợ là 70 con/70 hộ (65 con bò cái giống và 5 bò giống nuôi lấy thịt).

Trước đó, thị xã đã tổ chức chuyến tham quan thực tế tại huyện Ba Tri (Bến Tre) nghiên cứu mô hình nuôi bò sinh sản, giống cao sản. “Giống bò địa phương không thể so với giống bò lai ở Ba Tri về chiều cao, cân nặng, tốc độ lớn”- ông Nguyễn Thuấn nhận định. Giống bò lai ở Ba Tri 4 tháng tuổi có trọng lượng tương đương với con bò ở địa phương khoảng 1 năm tuổi. Trong 2 năm, bò Ba Tri cân nặng tối đa từ 500-600kg/con, trong khi đó, bò địa phương chỉ đạt khoảng 300kg/con. Đặc biệt, giống bò này rất dễ ăn và thường nuôi theo kiểu nhốt trong chuồng nên có thể tạo điều kiện cho những hộ ít đất sản xuất đầu tư chăn nuôi. “Sau tham quan, người dân rất hài lòng vì nuôi bò Ba Tri giống đẹp, lợi nhuận cao hơn nên ngoài 27 con bò được hỗ trợ thì có hộ còn mua thêm từ 1 đến 2 con về nuôi” - ông Thuấn nói.

Là một trong những hộ được hỗ trợ bò đợt 1 vừa qua, ông Đỗ Đức Thiện ngụ khóm Trà Đư, phường An Lạc cho hay, con bò giống Braman của gia đình ông mua khoảng hơn 2 tháng trước với giá 34 triệu đồng đã mang thai được hơn 6 tháng. Dự kiến khoảng 2 tháng tới sẽ đẻ lứa đầu tiên. Theo ông Thiện, từ khi nhận bò về nuôi, gia đình ông chăm sóc kỹ lưỡng, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nên bò rất khỏe mạnh và dễ nuôi. Còn anh Nguyễn Văn Suông - cùng ở khóm Trà Đư cho biết: “Tôi mê giống bò Braman này vì nó có trọng lượng lớn, hình dáng đẹp, đặc biệt quá trình chăm sóc bò này cũng đơn giản giống như bò địa phương nên rất dễ nuôi”.

Ông Nguyễn Huấn cho biết thêm, song song với việc đẩy mạnh nuôi bò lai, giống ngoại, địa phương cũng hết sức chú trọng đến việc lai tạo đàn bò cái lai ngoại, địa phương sẽ cử thú y viên có trình độ từ trung cấp trở lên đi đào tạo kỹ thuật lai tạo bò cái cho hộ dân tạo ra đàn bê có nhóm máu ngoại cao. Trước giờ người dân nuôi bò chủ yếu theo dạng nông hộ, nhỏ lẻ, đến khi xuất chuồng có thương lái đến mua. Điều đó về lâu dài không an toàn, vì vậy thị xã đang tiến hành vận động những hộ nuôi tham gia vào các câu lạc bộ nuôi bò để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Về vấn đề đầu ra sản phẩm, hiện trên địa bàn thị xã có Công ty TNHH Thực phẩm sạch đầu tư nhà máy giết mổ heo, trâu, bò, đó cũng là điều kiện thuận lợi bước đầu về đầu ra.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn