TP Hồng Ngự

Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững

Cập nhật ngày: 23/06/2022 05:44:38

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220623054525truongtandat.mp3

 

ĐTO - Các cấp, các ngành trên của TP Hồng Ngự đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo sự đổi thay lớn về “nông nghiệp, nông thôn và nông dân”.


Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá tại phường An Bình B, TP Hồng Ngự bước đầu mang lại hiệu quả

Theo UBND TP Hồng Ngự, trong năm 2022, TP Hồng Ngự có 2 xã: Tân Hội và Bình Thạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, xã Tân Hội đăng ký hoàn thành năm 2022. Qua rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM nâng cao trong 6 tháng đầu năm, xã Bình Thạnh đạt 10/19 tiêu chí, đạt 66,6% kế hoạch năm; xã Tân Hội đạt 13/19 tiêu chí, đạt 68,4% kế hoạch năm.

TP Hồng Ngự cũng triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 4 ngành hàng chủ lực: lúa, cá tra, cây ăn trái và lươn. Trong đó, đối với ngành hàng lúa gạo, thành phố tổ chức sản xuất theo quy mô lớn tập trung, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu gieo sạ đến thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa trong làm đất đạt 100%; diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%; ngày càng có nhiều hộ sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, bón phân, sạ lúa; áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, liên kết sản xuất nhằm tăng chất lượng sản phẩm, lợi nhuận và giảm giá thành sản xuất...

Đối với ngành hàng cá tra, để nâng cao chuỗi giá trị, địa phương phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai thực hiện đề tài “Nguyên nhân và phương pháp phòng trị bệnh viêm bong bóng trên cá tra nuôi công nghiệp” trên địa bàn TP Hồng Ngự năm 2022. Còn ngành hàng lươn, địa phương tiếp tục khuyến khích người dân chuyển sang sản xuất giống, nuôi lươn giống nhân tạo; hỗ trợ thiết bị phục vụ nuôi, sinh sản lươn theo quy trình tuần hoàn. Hiện có hơn 30 hộ cho sinh sản lươn nhân tạo, sản lượng trên 2 triệu con giống/năm và trên 10 hộ áp dụng nuôi tuần hoàn nước.

TP Hồng Ngự tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, từng bước quy hoạch tập trung chủng loại để tạo ra sản lượng, chất lượng đủ sức đáp ứng yêu cầu thị trường...


Cá tra là 1 trong 4 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Hồng Ngự

Thời gian qua, UBND TP Hồng Ngự cũng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp chế biến và liên kết tiêu thụ. Trong đó, thành phố đã chọn vùng nuôi cá tra thương phẩm (dọc tuyến kênh Tân Thành - Lò Gạch) để xây dựng vùng sản xuất. Tại đây, các hộ nuôi cá tra sẽ được gắn các thiết bị kiểm soát môi trường nước (pH, oxy, nhiệt độ...) dưới dạng tích hợp hệ thống thông minh để kiểm soát các yếu tố thủy, lý, hóa hàng ngày nhằm dự báo, cảnh báo chất lượng nước phục vụ quá trình nuôi cá trong ao.

TP Hồng Ngự đã triển khai tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khai thác, phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm tiềm năng của địa phương như: tinh dầu, khô, mắm, nước mắm... và một số sản phẩm mới (cà phê, trà, rượu, mật ong, chả cá...).         

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự, địa phương sẽ tập trung rà soát, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành để hỗ trợ địa phương thực hiện từng tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục công nhận xã Tân Hội hoàn thành nhiệm vụ NTM nâng cao năm 2022. Đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đối với từng tiêu chí chưa đạt, tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, theo dõi quá trình triển khai thực hiện, nhất là xã Tân Hội phải đảm bảo hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong năm 2022; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị thành phố để làm cơ sở đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ tốt cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành vùng sản xuất lớn tập trung phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu.

Thành phố tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng gò cao sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái để phù hợp với điều kiện thời tiết và thị trường. Cùng với đó, vận động các công ty, doanh nghiệp tiếp tục liên kết, sản xuất tiêu thụ các loại nông sản trên địa bàn, đảm bảo ổn định đầu ra để người dân yên tâm sản xuất... Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, đảm bảo kết quả cam kết chương trình hành động với UBND tỉnh năm 2022...

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn