Tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp tiên tiến gắn với liên kết tiêu thụ

Cập nhật ngày: 15/02/2022 09:06:02

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220215090757nhanrong.mp3

 

ĐTO - Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện và nhân rộng một số mô hình nông nghiệp mới, ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất khai thác các loại cây trồng, vật nuôi, làng nghề truyền thống gắn phát triển du lịch cộng đồng thế mạnh của tỉnh. Qua đó, hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập nông thôn.


Mô hình sinh kế 2 lúa - 1 cá mamg lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Từ năm 2015-2020, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện trên 120 mô hình với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ là trên 50,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh thực hiện 73 mô hình, ngân sách cấp huyện thực hiện 33 mô hình.

Mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 được thực hiện năm 2020 tại Hợp tác xã Dich vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) với quy mô 170ha. Mô hình được đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, cơ giới hóa toàn diện, bón vùi phân, giám sát sâu rầy thông minh, tưới tiết kiệm nước, ứng dụng đồng bộ giải pháp công nghệ 4.0. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con nông dân tiết kiệm được công lao động, cây lúa hạn chế đổ ngã; giảm thất thoát và tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Mô hình giúp nông dân giảm được 130kg Urê/ha ở ruộng bón phân Rynan và 26 kg ure/ha ở ruộng bón phân bón thông thường; năng suất bình quân đạt 5,38 tấn/ha, cao hơn 1 tấn/ha và lợi nhuận cao hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Đối với mô hình sinh kế mùa lũ, từ năm 2019 đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự triển khai thực hiện 12 mô hình với diện tích 113ha gồm 4 loại hình sinh kế gồm: 2 lúa - 1 cá, 2 lúa - 1 tôm, 2 lúa - vịt - cá, 2 màu - 1 cá. Do kết hợp nhiều loại hình sản xuất, giảm chi phí vật tư đầu vào (giống, thức ăn, phân thuốc bảo vệ thực vật,...) nên tổng lợi nhuận của các mô hình sinh kế này đều tăng hơn so với ngoài mô hình từ 4,5 - 34,6 triệu đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các mô hình thực hiện nhằm tạo điều kiện sản xuất kết hợp, lựa chọn được các loại hình sinh kế trong mùa lũ, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nước biển dâng, sụt lún và khô hạn giúp người dân vùng dự án có thêm thu nhập, đảm bảo ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo. Đồng thời góp phần nâng cao giá trị gia tăng của việc sản xuất trong vùng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp mùa lũ.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn triển khai các mô hình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, khắc phục vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi, canh tác xoài rải vụ thu hoạch đủ điều kiện an toàn và gắn với tiêu thụ, hệ thống tưới phun, điều khiển tự động, sản xuất rau hữu cơ (seed to table)...

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, khi thực hiện các mô hình cũng xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là các mô hình được đầu tư triển khai dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm không được đảm bảo ổn định nên các mô hình chưa thực sự tạo thế mạnh.

Nhiều hộ vẫn giữ thói quen sản xuất theo phương thức truyền thống trong khi quy trình sản xuất nghiêm ngặt người nông dân không còn mặn mà tham gia. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn chậm. Một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông để nhân rộng mô hình mới, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, nâng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất một số địa phương còn thiếu và yếu kém. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn còn nhiều mặt hạn chế. Nguồn kinh phí thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp có hạng, dự án còn dàn trải, thiếu tập trung. Vì vậy, chưa đủ kích thích phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung, công nghiệp.

Mặt khác, đầu ra của sản phẩm không ổn định, nông sản sản xuất dư thừa rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Mối liên kết “4 nhà” chưa thực sự bền chặt, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cùng khai thác các thế mạnh và thụ hưởng những thành quả, lợi ích từ sự liên kết đem lại.

Trước những thuận lợi và khó khăn trên, Sở NN&PTNT đã đề xuất và kiến nghị tỉnh cần quan tâm chính sách hậu mô hình. Đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ khuyến nông cơ sở. Các cấp, các ngành đặc biệt là chính quyền cơ sở cần quan tâm phối hợp với ngành nông nghiệp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc nhân rộng mô hình.

Các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng mô hình cần gắn với thị trường, mối liên kết “bốn nhà”, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại để bao tiêu đầu ra cho nông dân. Khi tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình cần chọn các đối tượng là những hộ dân hoàn toàn tự nguyện, có nhu cầu áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất”, nâng cao kiến thức để nông dân có sự tự tin, động lực và khát vọng làm giàu. Hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa qui mô lớn, hình thành các vùng nguyên liệu, sắp xếp lịch thời vụ cho phù hợp theo từng vùng để tránh thu hoạch đồng loạt gây khó khăn cho việc thu mua của các doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu các mô hình hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp nhằm thu hút nguồn lực cho hoạt động khuyến nông.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn