Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết ổn định, bền vững

Cập nhật ngày: 05/06/2015 04:38:17

Ngày 4/6/2015, tại hội trường UBND tỉnh, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm chuẩn bị hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự buổi làm việc có ông Dương Quốc Xuân - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Buổi làm việc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì.


Thứ trưởng Bộ Nộng nghiệp và Phát tirển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi làm việc

Là tỉnh được chọn thí điểm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm ủng hộ. Các cấp ủy, chính quyền huyện, xã được quán triệt về nội dung và giải pháp thực hiện Đề án, từ đó có chỉ đạo, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và quần chúng, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Trong suốt 3 năm xây dựng, triển khai thực hiện Đề án, tỉnh vừa xây dựng đề án vừa triển khai thực hiện các mô hình. Tỉnh đã thực hiện triển khai tái cơ cấu 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, vịt, cá tra. Theo đó, Đồng Tháp tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác và trang trại; Thực hiện một số chính sách thí điểm; Chú trọng công tác hợp tác phát triển và thu hút đầu tư.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành tỉnh và các doanh nghiệp nêu ý kiến về những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Cụ thể, cơ chế chính sách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phần lớn vận dụng các chính sách của Trung ương theo phương thức lồng ghép, đa mục tiêu nên nguồn lực đầu tư cho quá trình tái cơ cấu còn hạn chế; chương trình cho vay theo chuỗi đối với ngành hàng lúa gạo đang gặp vướng mắc trong vấn đề vay vốn ngân hàng; doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân là những lực lượng quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp nhưng chậm được củng cố nâng cao năng lực quản lý và điều hành theo cơ chế thị trường; những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến hàng nông sản...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tỉnh Đồng Tháp đạt được trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nổi bật là sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, các ngành trong thực hiện Đề án. Đặc biệt, ngay từ đầu Đồng Tháp đã xác định được những công việc trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo sâu sát những vấn đề liên quan, chú ý bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã (HTX); quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đối tượng nông dân, HTX, doanh nghiệp; vấn đề đầu tư công; sự phối hợp giữa các ngành trong thực hiện đề án; công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành. Đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết ổn định, bền vững... Đối với các kiến nghị tỉnh đề xuất tại buổi làm việc, Đoàn công tác ghi nhận, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sẽ có giải pháp cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn